Longform

[Longform] KỲ 2: Nông dân "trong mê cung" giấy chứng nhận hữu cơ: Lựa chọn nào phù hợp?

[Longform] KỲ 2: Nông dân "trong mê cung" giấy chứng nhận hữu cơ: Lựa chọn chứng nhận hữu cơ phù hợp với thị trường

Nông dân “trong mê cung” giấy chứng nhận hữu cơ:

Lựa chọn nào phù hợp?

Trong quá trình xin chứng nhận hữu cơ doanh nghiệp của anh Tú gặp vô số khó khăn thách thức khi thiếu hướng dẫn thực tiễn phù hợp với điều kiện canh tác địa phương, nhất là mô hình nông nghiệp kết hợp như trồng – chăn nuôi – du lịch sinh thái mà An Phú Farm đang hướng tới. Chưa kể đến là các thủ tục pháp lý, thời gian đánh giá còn kéo dài, khiến doanh nghiệp tiêu tốn nhiều nguồn lực.

Chứng nhận hữu cơ không chỉ là sự cam kết đối với môi trường mà còn là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chứng nhận hữu cơ là quy trình đánh giá và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo không sử dụng hóa chất tổng hợp, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, hoặc các chất biến đổi gen (GMO). Để đạt được chứng nhận hữu cơ, các tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp và sản xuất thực phẩm đạt các yêu cầu khắt khe về quy trình canh tác, chăn nuôi và chế biến do các tổ chức, đơn vị cấp chứng nhận hữu cơ đề ra nhằm duy trì tính tự nhiên của sản phẩm và bảo vệ môi trường. Thế nhưng để được cấp giấy chứng nhận hữu cơ là cả một hành trình gian nan mà chỉ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ mới nắm được.

Lợi ích lớn nhưng doanh nghiệp thiếu mặn mà

[Longform] KỲ 2: Nông dân "trong mê cung" giấy chứng nhận hữu cơ: Lựa chọn chứng nhận hữu cơ phù hợp với thị trường

Hiện nay, ở Quảng Bình việc canh tác sản xuất theo mô hình hữu cơ rất được các cấp ban ngành quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ như Trung tâm Khuyến Nông- Khuyên ngư tỉnh Quảng Bình có chương trình tập huấn, hướng dẫn người làm nông nghiệp hữu cơ, chương trình hỗ trợ kinh phí để làm chứng nhận hữu cơ. Mặt khác, những người người làm nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Bình cũng biết được những lợi ích khi các sản phẩm của mình có chứng nhận hữu cơ như môi trường sản xuất sạch, bản thân người làm nông nghiệp trong lĩnh vực này có thêm nhiều kinh nghiệp từ các lớp tập huấn để ứng dụng vào canh tác...

Cũng theo anh Quả thì quá trình làm thủ tục để được cấp chứng nhận hữu cơ cũng xuất hiện rất nhiều khó khăn. Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng quy mô trang trại canh tác và sản xuất nông nghiệp sạch còn nhỏ dẫn đến cho ra sản lượng ít mà chi phí để làm chứng nhận hữu cơ lớn so với năng lực kinh tế của một số hộ sản xuất cá thể, bởi làm xong thủ tục chứng nhận phải mất nhiều thời gian, kinh phí; để đạt và cấp chứng nhận cũng khá lâu bởi theo đúng quy trình thì sau hai năm mới được cấp. Sau khi chứng nhận hữu cơ hết hạn, nếu không có tiền để làm gia hạn sẽ không được hỗ trợ kinh phí để làm lại của các cơ quan chức năng nên cũng rất khó để các nhà làm nông nghiệp hữu cơ tiếp tục theo chứng nhận. Do phải đầu tư chi phí để làm chứng nhận hữu cơ, khiến giá cả các sản phẩm có chứng nhận cao hơn các sản phẩm cùng loại, khó cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp thông thường do nhận thức người tiêu dùng còn hạn chế.

[Longform] KỲ 2: Nông dân "trong mê cung" giấy chứng nhận hữu cơ: Lựa chọn chứng nhận hữu cơ phù hợp với thị trường

Cùng chung quan điểm với anh Quả, bà Lê Thị Lan Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng Đức Thành cho biết thêm, công ty hiện đang trồng 20 ha măng lục trúc ở hai địa phương đó là xã Hòa Trạch và xã Lý Nam, huyện Bố Trạch với nhân công trên 20 lao động, trong đó có 2ha trồng tre lục trúc đã cho ra sản phẩm tiêu thụ với sản lượng hàng năm khoảng 30 tấn măng thành phẩm. Các sản phẩm măng lục trúc của Đức Thành hiện đã đạt chứng nhận VietGap, VietGAHP, ISO... nên rất được người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng. Các sản phẩm măng trúc lục của Đức Thành hiện đã có mặt tại các cơ sản bán sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Gian nan “con đường” chứng nhận hữu cơ

Các cháu học sinh mầm non, tiểu học ở tỉnh Quảng Bình đến tham quan và trải nghiệm làm nông nghiệp tại An Nông Farm.
Các cháu học sinh mầm non, tiểu học ở tỉnh Quảng Bình tham quan và trải nghiệm làm nông nghiệp tại An Nông Farm.

“Thời gian qua, Trung tâm Khuyến Nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cũng đã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn để công ty làm các bước để chứng nhận măng lục trúc đạt chứng nhận hữu cơ. Tuy nhiên, qua trình làm trình tự các bước mà đơn vị nhờ một công ty tư vấn được Trung tâm Khuyến Nông- Khuyên giới thiệu là khá lâu, hơn một năm nay, công ty đã tiến hành lấu mẫu đất, nước, sản phẩm măng để đi kiểm nghiệm...Mà đến nay vẫn chưa xong các khâu để sản phẩm măng đạt được chứng nhận hữu cơ, nói chung là thời gian làm chứng nhận lâu, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến chiếc lược kinh doanh, phát triển sản phẩm của công ty trong thời gian tới.”, bà Hương tâm sự.

Trong khi đó, theo ông Dương Hiển Tú - Chủ tịch An Phú Farm, chủ chuỗi siêu thị An Phú Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum... người theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ bền bỉ thì trong quá trình xin chứng nhận hữu cơ, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, doanh nghiệp của anh Tú cũng gặp một số khó khăn thách thức. “Đầu tiên có thể đề cập đến là việc thiếu hướng dẫn thực tiễn phù hợp với điều kiện canh tác địa phương, nhất là mô hình nông nghiệp kết hợp như trồng – chăn nuôi – du lịch sinh thái mà An Phú Farm đang hướng tới. Chưa kể đến là các thủ tục pháp lý, thời gian đánh giá còn kéo dài, khiến doanh nghiệp tiêu tốn nhiều nguồn lực”, ông Dương Hiển Tú - Chủ tịch An Phú Farm chia sẻ.

Anh Dương Hiển Tú chia sẻ, ngoài những khó khăn ban đầu khi xin chứng nhận hữu cơ thì quá trình duy trì chứng nhận hữu cơ sau khi đạt được cũng đòi hỏi sự nỗ lực của các cá nhân, doanh nghiệp khi chi phí đánh giá định kỳ khá cao, đặc biệt với các farm nhỏ hoặc sản xuất đa canh như An Phú Farm. Anh Tú cũng mong rằng trong thời gian tới sẽ có thêm các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để khuyến khích nhiều nông hộ tham gia hơn.

Lựa chọn chứng nhận phù hợp với đích đến

[Longform] KỲ 2: Nông dân "trong mê cung" giấy chứng nhận hữu cơ: Lựa chọn chứng nhận hữu cơ phù hợp với thị trường
Các chứng nhận hữu cơ trên thị trường. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Văn Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp Hữu cơ, Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) để giải quyết khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận hữu cơ, trước hết chúng ta cần xác định thị trường tiêu thụ của mình, từ đó sẽ tìm ra lời giải phù hợp. Hiện nay để được cấp giấy chứng nhận hữu cơ thì các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian, chi phí.

Thông thường, để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ, các cá nhân, doanh nghiệp sẽ mất thời gian khoảng ba năm để chuyển đổi thành công. Đó mới là vấn đề khó khăn về mặt thời gian, chưa đề cập đến các khó khăn về mặt chi phí, kỹ thuật canh tác, phúc lợi động vật khi doanh nghiệp nông nghiệp lựa chọn sản xuất hữu cơ.“Ví dụ thế này, một doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản thay vì tốn thời gian, chi phí vào quá trình xin cấp giấy chứng nhận hữu cơ của các tổ chức trong nước thì có thể nghiên cứu quá trình cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản (JAS) để tránh lãng phí về mặt thời gian, tiền bạc.

Hiện nay, giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa có sự đồng nhất về các tiêu chí, sự thừa nhận qua lại khiến doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận hữu cơ của các tổ chức trong nước vẫn tốn thêm thời gian, chi phí để xin cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho các sản phẩm của mình”, ông Cường nhận định.

[Longform] KỲ 2: Nông dân "trong mê cung" giấy chứng nhận hữu cơ: Lựa chọn chứng nhận hữu cơ phù hợp với thị trường

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp theo mô hình hữu cơ ở Quảng Bình hiện nay rất được các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm. Hiện Trung tâm đã được tỉnh cung cấp kinh phí để hỗ trợ, hướng dẫn cho những người canh tác và sản xuất nông nghiệp sạch để làm chứng nhận hữu cơ.

Trong năm 2025, Trung tâm đã trình lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, các sở ban ngành liên quan ba cơ sở để làm thủ tục chứng nhận hữu cơ gồm: trồng na Đài Loan của HTX Nông Nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An; Trồng tre lục trúc lấy măng của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng Đức Thành; Nho sữa hữu cơ của hộ gia đình ông Lê Thế Phong ở phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới.

[Longform] KỲ 2: Nông dân "trong mê cung" giấy chứng nhận hữu cơ: Lựa chọn chứng nhận hữu cơ phù hợp với thị trường
Mô hình trồng tre lục trúc lấy măng của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng Đức Thành.

Cũng theo ông Hải, hiện nay những người làm nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Quảng Bình cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Tập quán canh tác của đa số bà con nông dân trên địa bàn muốn ứng dụng máy móc, thuốc men sẵn có để hạn chế nhân công, chi phí trong sản xuất nông nghiệp; Giá trị kinh tế giữa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp thông thường có sự khác biệt lớn, bởi sản phẩm hữu cơ có giá thành cao hơn nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, bên cạnh đó còn bị giả mạo sản phẩm rất nhiều..; Các vật tư phục vụ sản xuất canh tác hữu cơ còn thiếu như giống, thức ăn đạt điều kiện hữu cơ còn rất khan hiếm trên thị trường.

Trong khi đó, thời tiết ở Quảng Bình cũng rất bất lợi cho việc sản xuất hữu cơ bởi hằng năm nơi đây xuất hiện nhiều cơn bão và các đợt lũ lụt. Chi phí để sản xuất hữu cơ rất tốn kém trong khi đó quy mô các trang trại và mô hình, hộ kinh tế gia đình còn rất nhỏ lẻ cả về số lượng và diện tích nên không tạo ra được sản lượng lớn đá ứng nhu cầu thị trường.

[Longform] KỲ 2: Nông dân "trong mê cung" giấy chứng nhận hữu cơ: Lựa chọn chứng nhận hữu cơ phù hợp với thị trườngTheo ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE, một đơn vị chuyên xuất khẩu các loại nông sản, gia vị thì “chứng nhận hữu cơ cụ thể mới giúp đơn vị xuất khẩu xác định và xây dựng được lòng tin với khách hàng. Điều này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được quy trình sản xuất của mình, khẳng định được sản phẩm mình làm ra là tự nhiên, không hóa chất”. cũng theo ông Hiếu các mặt hàng như hồ tiêu, gừng, nghệ, quế hồi nếu đạt tiêu chuẩn Organic EU và Organic USDA sẽ có giá bán cao hơn khoảng 10- 25%, thậm chí cao hơn nữa so với những sản phẩm thông thường.

Nội dung: Nhóm Phóng viên

Đồ họa: Hà Vinh