![]() |
Người dân chủ động tổ chức thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. (Ảnh: Việt Hòa) |
Chủ động ứng phó với bão Wipha, mưa lũ, sạt lở đất
Ngày 19/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) - tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện chỉ đạo chủ động ứng phó với bão Wipha và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Theo công điện, bão Wipha đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 3 với cường độ cấp 9, giật cấp 12; dự báo bão tiếp tục mạnh thêm và có khả năng ảnh hưởng, gây mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó với bão và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Nghệ An đề nghị các sở, ngành liên quan và xã, phương trên địa bàn triển khai một số nội dung.
Đối với tuyến biển: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh, trú an toàn. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Vĩ tuyến 18,5N- 23,0N; phía Đông kinh tuyến 112,0E (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, trên đảo, khu vực ven biển. Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh căn cứ diễn biến và dự báo bão, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành lệnh cấm biển.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển: Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, cửa sông, ven biển. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.
Chủ động tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công. Kiểm tra, rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện để duy trì hoạt động, không gián đoạn trước, trong và sau bão.
Chủ động tổ chức thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
![]() |
Hình ảnh trận lũ quét vào tháng 5/2025 trên địa bàn xã Tiền Phong (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong cũ), tỉnh Nghệ An gây thiệt hại nặng nề. (Ảnh tư liệu) |
Đối với vùng núi: Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn. Chính quyền cấp xã thông báo đến từng hộ dân sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét kiểm tra, rà soát xung quanh nơi ở để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm để chủ động sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở. Kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra sạt lở. Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.
Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó với bão và mưa lớn diện rộng. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh (qua Văn phòng thường trực).
![]() |
Hồ chứa thủy điện ở Nghệ An vận hành xả nước để đảm bảo an toàn. (Ảnh: PH) |
Thủy điện Bản Ang vận hành xả nước hồ chứa
Đêm 19/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Nghệ An đã ban hành thông báo số 110/TN-VP-PCTT về việc vận hành điều tiết hồ chứa nước thủy điện Bản Ang để đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du.
Cụ thể, để đảm bảo công tác vận hành xả nước hồ chứa thủy điện Bản Ang được an toàn theo đúng quy trình đơn hồ và quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả đã được phê duyệt và tình hình diễn biến thủy văn tại công trình.
Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Mô, Nậm Nơn dự kiến xả nước hồ chứa thủy điện Bản Ang vào lúc 01h ngày 20/7 với tổng lưu lượng xả dự kiến khoảng 200m3/s đến 500m3/s (bao gồm xả qua các cửa van đập tràn và tổ máy phát điện).
Thời gian dự kiến kết thúc hoàn toàn xả nước qua đập tràn cho đến khi lưu lượng nước về hồ nhỏ hơn lưu lượng phát điện qua các tổ máy.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Nghệ An thông báo cho UBND xã Tương Dương và thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, để thông báo cho chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ở ven sông, trên sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và toàn thể nhân dân trên địa bàn thuộc hạ du Nhà máy Thủy điện Bản Ang biết để triển khai các công việc cần thiết, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Cách đây ít ngày, Nhà máy thủy điện Khe Bố (xã Tam Quang, tỉnh Nghệ An) cũng đã tiến hành vận hành điều tiết hồ chứa để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.