![]() |
Bão số 3(WIPHA) có khả năng giật cấp 14, cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông. |
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hải Phòng, vào 7 giờ ngày 21/7, tâm bão số 3 nằm ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20km/h. Trong 24 giờ tới, bão có khả năng mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 14, với vị trí tâm bão ở 20,5 độ Vĩ Bắc, 107,4 độ Kinh Đông. Mức độ rủi ro thiên tai cấp 3. Về mưa, Hải Phòng đã có mưa vừa, mưa to (14-40mm tính đến 1 giờ ngày 21/7) và dự báo tiếp tục có mưa rào, dông rải rác (10-15mm) đến trưa ngày 21/7.
Công tác phòng chống bão được triển khai khẩn trương với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương và Thành phố.
Chỉ đạo từ Trung ương: Từ ngày 17 - 20/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Quản lý Xây dựng Công trình Thủy lợi, Thủ tướng Chính phủ và Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai liên tục ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo khẩn về ứng phó với áp thấp nhiệt đới và bão số 3, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng chống ngập úng và đê điều.
Chỉ đạo của Thành phố: Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo từ ngày 17 - 20/7, tập trung vào việc tăng cường phòng chống bão, chủ động ứng phó với bão số 3 WIPHA, cấm các hoạt động trên sông, biển. Các cuộc họp khẩn cấp được tổ chức liên tục từ ngày 19 - 20/7, với sự tham gia của lãnh đạo thành phố, các sở ngành và cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ, sau đó là các đoàn kiểm tra thực tế tại các trọng điểm.
Triển khai thực hiện của các đơn vị:
Các sở, ngành và địa phương trên toàn thành phố đã vào cuộc quyết liệt:
Lực lượng vũ trang: Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an thành phố duy trì nghiêm chế độ trực, chuẩn bị lực lượng (trên 35.400 người) và phương tiện sẵn sàng ứng phó. Bộ đội Biên phòng đã thông báo, hướng dẫn 1.657 phương tiện/4.668 lao động trên biển chủ động phòng tránh bão.
Sở Nông nghiệp và Môi trường: Đôn đốc địa phương, chủ đầu tư kiểm tra đê điều, thủy lợi; phân công cán bộ trực 24/24 giờ; chỉ đạo tháo nước đệm phòng ngập úng. Văn phòng thường trực phòng chống thiên tai duy trì trực 24/24 giờ, thành lập nhóm Zalo với 114 Chủ tịch xã, phường, đặc khu để chỉ đạo kịp thời.
Sở Xây dựng: Kiểm tra 32 điểm đen ngập lụt, chuẩn bị máy móc xử lý sạt lở. Cắt tỉa, chằng chống hàng nghìn cây xanh đô thị. Chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án sơ tán gần 3.000 hộ dân tại 44 chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp.
Các Sở, ban, ngành khác: Sở Công thương đảm bảo cung cấp xăng dầu, điện lực. Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra 03 điện thoại vệ tinh phục vụ điều hành khẩn cấp.
Cấp xã, phường, đặc khu: Tổ chức truyền thông về bão WIPHA, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ”. 114/114 xã, phường đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS, xây dựng kế hoạch ứng phó. Tuyên truyền, cảnh báo bão cho 1.657 phương tiện, 9.900 lồng bè và 16.000 khách du lịch tại Cát Bà (trong đó có 2.500 khách nước ngoài). Huy động 29.361 người từ lực lượng xung kích và trên 5.000 người tại chỗ.
Tình hình Nông nghiệp, Đê điều và di dời
Sản xuất nông nghiệp: Lúa mùa: Đến ngày 20/7/2025 toàn thành phố đã gieo cấy 60.000 ha lúa mùa, đạt khoảng 74% kế hoạch (kế hoạch 80.760ha). Trong đó, khoảng 20.000 ha lúa mùa sớm, mùa trung cấy trước 05/7/2025 đã cao cây, đang giai đoạn đẻ nhánh. Còn lại khoảng 20.760 ha lúa mùa còn thấp cây (chủ yếu diện tích phía Đông Hải Phòng), nhất là diện tích gieo vãi và mới cấy (trong đó khoảng 10.000 ha lúa mới gieo xạ (mới gieo được khoảng 3-5 ngày).
Diện tích cây rau màu vụ hè thu: Toàn thành phố hiện đã trồng 12.050 ha, đạt 78% kế hoạch (kế hoạch 15.360ha).
Diện tích cây ăn quả: Hiện có 28.730ha, trong đó diện tích một số loại cây chính như sau: Nhãn: 2.490 ha, đang chuẩn bị cho thu hoạch (dự kiến thu hoạch tập trung tháng 8); Chuối: 5.200 ha, đang chuẩn bị ra hoa và một số diện tích chuối Tây (đang cho thu hoạch); Ổi: 2.800 ha, đang ra hoa, một số diện tích đang đậu quả và quả non; Bưởi: 1.170 ha, đang giai đoạn quả non; Thanh Long: 535 ha, đang giai đoạn quả non, thu hoạch.
Đê điều, thủy lợi: 75 vị trí trọng điểm đê, kè, cống xung yếu đã có phương án bảo vệ. Các công ty thủy lợi đã tháo nước đệm, chuẩn bị thiết bị vận hành. Một số đoạn sạt lở bờ kênh Bắc Hưng Hải đang được xử lý.
Di dời người dân và tàu thuyền: Kế hoạch sơ tán 6.668 hộ/19.701 người tại khu vực nguy hiểm. Khách du lịch tại Cát Bà và Đồ Sơn đang được di dời, hiện còn 279 người tại Cát Hải (84 khách nước ngoài) và 1.335 người tại Đồ Sơn (55 khách nước ngoài) đang lưu trú. Đến 9 giờ ngày 21/7, toàn bộ 1.657 phương tiện/4.668 lao động, 157 lồng bè/289 lao động và 03 chòi canh/06 lao động trên biển đã được liên lạc và không còn hoạt động trong vùng nguy hiểm. 166 lao động tại lồng bè đã lên bờ, 123 lao động còn lại đang được vận động di dời. 70 phương tiện đang neo đậu an toàn tại cảng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các biện pháp cấp bách:
Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tàu thuyền đã vào nơi neo đậu ra khơi. Ngăn chặn người quay trở lại lồng bè, chòi canh hoặc ở lại trên phương tiện.
Đối với chung cư cũ, UBND các phường phải xác định rõ vị trí lưu trú và hoàn thành sơ tán trước 19 giờ ngày 21/7.
Chuẩn bị ứng phó tình huống bão đi dọc ven biển Hải Phòng – Nam Định vào đúng thời điểm triều cường gây nước dâng: đóng cửa khẩu qua đê, phương án chống tràn đê thấp, di dân tại khu vực ngoài đê (Thùy Giang, Dương Kinh, Kiến Hải).
Chuẩn bị phương án tiêu thoát nước khi mưa lớn sau bão, đặc biệt cho lúa mùa mới cấy: tận dụng thủy triều xuống, vận hành tối đa trạm bơm điện, tháo nước mặt ruộng, giải tỏa vật cản. Lưu ý cống Máy Đèn đang bị thu hẹp dòng chảy.
Các địa phương nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ (trước 6 giờ, 14 giờ, 19 giờ) và đột xuất, nắm bắt cụ thể hộ yếu thế, địa điểm sơ tán an toàn.
Sở Công thương và Sở Khoa học và Công nghệ có kịch bản xử lý mất điện cục bộ/diện rộng để đảm bảo liên lạc, điều hành.
Ban Chỉ huy Quân sự thành phố có kịch bản ứng cứu khi địa phương vượt khả năng hoặc bị chia cắt.
Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương khẩn trương thực hiện công tác phòng chống bão. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần chủ động, Hải Phòng đang nỗ lực tối đa để đối phó với bão số 3, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.