![]() |
Từ ngày 1/7, Luật Địa chất và Khoáng sản chính thức có hiệu lực. (Ảnh minh họa) |
Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Bộ luật này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), điểm nổi bật nhất của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 là lần đầu tiên công tác địa chất được đặt ngang hàng với quản lý khoáng sản trong một chỉnh thể thống nhất. Điều này thể hiện rõ quan điểm “điều tra trước - khai thác sau”, chuyển hướng từ tư duy “cấp phép” sang “quy hoạch - giám sát vòng đời tài nguyên”.
“Đây là bước chuyển lớn trong tư duy quản lý, hướng tới quản trị tài nguyên hiệu quả, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và các mục tiêu tăng trưởng xanh, trung hòa carbon đến năm 2050”, ông Trọng nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Trần Bình Trọng, một trong những điểm đổi mới nổi bật của Luật là việc phân loại khoáng sản thành 4 nhóm (I, II, III, IV) theo mức độ chiến lược và quy mô khai thác. Nhờ đó, đối với các loại khoáng sản phổ biến như đất san lấp (nhóm IV), quy trình thủ tục được đơn giản hóa chỉ còn là “đăng ký khai thác”, thay vì phải xin cấp phép như trước đây.
Ngược lại, với những loại khoáng sản chiến lược như kim loại hiếm (nhóm I), Luật vẫn áp dụng quy trình quản lý chặt chẽ. Cách tiếp cận này vừa giảm tải thủ tục hành chính, vừa đảm bảo hiệu quả trong quản lý tài nguyên khoáng sản quan trọng.
Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 cũng thể hiện tinh thần phân quyền mạnh mẽ, trao thêm thẩm quyền cho chính quyền cấp tỉnh. Cụ thể, UBND cấp tỉnh có quyền cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản nhóm II, III, IV; phê duyệt đề án điều tra cơ bản do địa phương tự bố trí vốn; đồng thời có quyền thu hồi các khu vực dự trữ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở thực hiện các giải pháp trên, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong việc đưa Luật vào cuộc sống. Trong đó có thể kể đến việc tổ chức 18 hội nghị phổ biến pháp luật trên toàn quốc để truyền tải đầy đủ các nội dung mới của Luật và văn bản hướng dẫn, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9/2025.
Đồng thời, Cục thực hiện khóa đào tạo trực tuyến với 30 tiết học dành riêng cho cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương, giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, đơn vị vận hành tổng đài hỗ trợ và hộp thư điện tử 24/7, kịp thời giải đáp vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng Luật.
Ngoài ra, Cục phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương thực hiện 12 chuyên đề truyền thông với chủ đề “Khoáng sản - nguồn lực cho phát triển bền vững”, nhằm lan tỏa nhận thức cộng đồng về khai thác hiệu quả và có trách nhiệm.
“Chúng tôi không chỉ là cơ quan chuyên môn mà còn là người bạn đồng hành của các địa phương trên hành trình đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào cuộc sống”, ông Trọng chia sẻ.
![]() Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất ... |
![]() Nằm ở vùng cực Bắc của Tổ quốc, Cao nguyên đá Đồng Văn hiện lên như một bức tranh hùng vĩ, được kiến tạo bởi ... |