Sáng 18/5/2023, tại Phú Thọ, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Đại học Hùng Vương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Các giải pháp chính phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững”.
Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Thú Y, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Viện Chăn nuôi; Viện Thú Y, Vụ Khoa học công nghệ; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; các Hội, Hiệp hội; các trường Đại học; các Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học Công nghệ, Chi cục Chăn nuôi Thú y, Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh; các tập đoàn, công ty; các trang trại, nông dân tiêu biểu chăn nuôi gia súc ăn cỏ…
Hội thảo khoa học với chủ đề “Các giải pháp chính phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi GSL cho biết, Ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở Việt Nam đã gắn bó với người đân Việt từ khi hình thành đất nước. Chăn nuôi các loại gia súc mới cung cấp được 42-43% nhu cầu sữa, 45-50% nhu cầu thịt cho tiêu dùng trong nước, số còn lại 57-58% sữa, 50-55% thịt vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ năm 2020 đến nay, tổng sản lượng thịt của các loại gia súc này sản xuất ra đã tăng lên và chiếm 9,5% tổng sản lượng thịt sản xuất của ngành chăn nuôi, PGS. TS. Hoàng Kim Giao nhấn mạnh.
Nhưng, so với nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn chưa đáp ứng được; từ năm 2019 đến 2021, hàng năm nước ta bỏ ra trên dưới 1 tỷ USD để nhập khẩu thịt trâu, bò, trong đó có đến 500 trên 500 ngàn trâu bò sống. Hiện nay, chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang được nhà nước ưu tiên cho đầu tư phát triển; nhưng chăn nuôi loại gia súc này đặc biệt gia súc cho thịt vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá thực trạng chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở Việt Nam; định hướng, mục tiêu phát triển gia súc ăn cỏ ở Việt Nam trong những năm tới; áp dụng các biện pháp tiên tiến cùng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở Việt Nam…
Theo ông Lã Văn Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch và Tổng hợp Cục Chăn nuôi, định hướng chăn nuôi gia súc ăn cỏ nước ta trong thời gian tới là nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tăng quy mô và thâm canh phát triển những loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ có tiềm năng và lợi thế so sánh phù hợp với điều kiện tự nhiên, khả năng đầu tư, thị trường tiêu thụ và ứng phó với biến đổi khí hậu như thịt, sữa bò, nhung hươu... ; phát triển chăn nuôi gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gia súc ăn cỏ, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến thịt, sữa.
Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ để góp phần thực hiện mục tiêu mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 trung bìnhtừ 4 đến 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 8 đến 10%; đến năm 2030 đạt từ 10 đến 11%; sản lượng sữa đến năm 2025 đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 2,6 triệu tấn sữa….
Tạo buổi hội thảo các chuyên gia chỉ rõ giải pháp phát triển bền vững trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững.
Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững cần tập trung vào một số giải pháp như hoàn thiện thể chế ngành chăn nuôi, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi, các TCVN, QCVN phù hợp với tình hình thực tế.
Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong đó có chăn nuôi. Điều chỉnh về quy hoạch vùng chăn nuôi, điều chỉnh lại quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi cho các vật nuôi chính theo hướng sản phẩm gắn với sản phẩm đặc thù mang chỉ dẫn địa lý của địa phương, phát triển sản phẩm chăn nuôi sạch, hữu cơ, sinh thái, gắn với du lịch.
Rà soát chiến lược phát triển chăn nuôi với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; có lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia đồng thời duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến.
Tích hợp quy hoạch phát triển chăn nuôi ở cụm tỉnh, vùng, miền với quy hoạch chung của quốc gia, các tỉnh cần quy hoạch vùng theo lợi thế của từng địa phương: xây dựng vùng chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; chuyển đổi mạnh những diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công, nông nghiệp…
Đối với quản lý giống gia súc ăn cỏ, cần quản lý được hệ thống giống của gia súc nhai lại: định dạng cá thể bằng gắn số tai, gắn chíp điện tử, vào sổ giống và xử lý các tính trạng năng suất của giống. Thống nhất hệ thống quản lý giống trâu, bò sữa, bò thịt ở các cơ sở nhân giống trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi.
Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ. Các cơ sở sản xuất giống phải đáp ứng đủ điều kiện đăng ký sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn…
Quốc Tùng