![]() |
Th.s Lê Thị Hoa giám đốc Cty Cổ phần thương mại dịch Vụ Vườn Táo Cổ nhận trao tặng kỷ lục Việt Nam Đơn vị sản xuất cao trà Mục Nhan - Cao trà Xanh có hàm lượng Polyphenol cao nhất Việt Nam( 45,1 %). |
Theo nghiên cứu của các viện dược liệu trong và ngoài nước, trà Shan Tuyết chứa hàm lượng EGCG, catechin và flavonoid cao hơn trung bình 2 – 3 lần so với các giống trà thông thường. Ngoài ra, cây trà Shan Tuyết cổ thụ ở trên độ cao còn hấp thụ khoáng chất vi lượng từ đất núi đá vôi, tạo nên giá trị dược liệu toàn diện: vừa chống oxy hoá vừa giải độc, hỗ trợ miễn dịch và cải thiện tiêu hoá, thần kinh.
Với cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc, cây trà như thần linh bảo hộ nên có tục “Lễ trà đầu mùa”. Họ có những bí quyết gia truyền trong xao chế, bảo quản, phối kết hợp trà cùng các vị thuốc bản địa khác. Những kiến thức “đơn sơ” ấy lại là nền tảng quý giá cho việc phục dựng y học bản địa và phát triển sản phẩm dược liệu ứng dụng ngày nay. Trong xã hội phát triển xu thế quay về với tự nhiên, trà Shan Tuyết cổ thụ ngày càng được giới chuyện môn và người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều thương hiệu trà Việt đã mang loại trà này đi chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đức, Pháp…Không ít chuyên gia quốc tế đã đánh giá trà Shan Tuyết của Việt Nam là một trong những loại trà có giá trị thương mại và y học cao nhất thế giới. Các nhà khoa học bắt đầu nhìn trà Shan Tuyết không chỉ như một thức uống mà còn là một dạng dược liệu tự nhiên giầu hoạt chất sinh học, có khả năng hỗ trợ phòng và điều trị nhiều chứng bệnh mãn tính của xã hội hiện đại.
Trong một cuộc hội ngộ, tôi gặp Lê Thị Hoa, thạc sĩ ngành xã hội học, hiện là giám đốc Công ty cổ phần thương maị dịch vụ nông nghiệp Vườn Táo Cổ. Công ty của Hoa làm nhiều việc; một trong những việc ấy là sản xuất và kinh doanh Cao trà Mục Nhan, tuy còn ở bước đi thể nghiệm. Từ búp trà Shan Tuyết chiết xuất ra cao, cho vào lọ, vào hộp, rất gọn nhẹ, muốn dùng là rót ra dùng ngay, phù hợp với con người thời hiện đại với nhiều áp lực về công việc và thời gian. Thị Hoa kể: nhờ hữu duyên mà Hoa gặp được một cao nhân rất giỏi về trà sống ẩn danh truyền nghề. Tôi hỏi: Vì sao lấy tên Cao trà là Mục Nhan? Hoa giải thích: Mục là “nhìn”, nhưng không phải nhìn qua, mà là nhìn sâu, nhìn thấu, như “mục sở thị”, là cái nhìn của người tỉnh thức. Nhan là “sắc”, nhưng không chỉ là sắc đẹp bên ngoài, mà là cái đẹp từ tâm hồn lan ra thần thái. Một vẻ đẹp thanh khiết, an nhiên, không cần tô vẽ. Vì vậy, khi thưởng thức, Cao trà Mục Nhan gợi cho ta cái nhìn thanh tao, đánh thức vẻ đẹp bên trong con người; đẹp từ ánh mắt, từ tâm tính... Mỗi tách trà là một lần làm đẹp lại ánh nhìn. Mỗi giọt trà là một giọt khí chất sống sâu…
Như có duyên nợ với cao trà, Hoa đã dành công sức lặn lội qua nhiều núi cao vực sâu đến những nơi có cây trà Shan Tuyết. Không có ngôi đền nào thờ trà, nhưng lòng người vùng trà luôn dành cho cây trà một vị trí rất linh thiêng. Họ coi trà là nhân chứng cho sự gắn bó giữa người và núi, giữa con cháu và tổ tiên, giữa hôm qua và hôm nay. Hoa còn nhận ra: sự khác biệt của cây trà giữa các vùng. Ở Tây Côn Lĩnh, trà có hương khói núi, nước dậm và vị mộc. Ở Suối Giàng, trà mang hương gỗ rừng, vị ngọt hậu, mượt mà. Ở Tả Xùa, trà chan sương lạnh, vị thanh, êm, sâu. Ở Phìn Hồ, trà thoảng hương dược liệu bản địa, hậu nhẹ và ấm bụng…Sự khác biệt ấy, người làm cao trà cần phải có cái tâm và cái tầm, để hiểu được loại trà nào phù hợp với mục đích nào. Không phải trà nào cũng nên nấu cao. Không phải cứ trà cổ là quý mà là phải “khớp” với cơ địa, với phương pháp, với triết lý chữa lành. Khi uống trà cổ, đặc biệt là dưới dạng cao cô đặc, người dùng không chỉ tiếp nhận hoạt chất sinh học mà còn đón nhận một tầng rung động tinh tế của thiên nhiên hùng vĩ và sống động.
Hành trình đi đến những vùng trà cổ của Hoa không đơn thuần chỉ là chuyến đi khảo sát nhiên liệu mà là một cuộc hành hương tâm linh. Là dịp để cúi đầu trước thiên nhiên. Đặt tay lên thân trà xù xì, rêu phong, cảm nhận nhịp đập chậm rãi của thời gian. Là lúc để hiểu rằng: để có một thìa cao trà tinh tuý, cần không chỉ mồ hôi mà còn cả sự tôn kính chân thành.
Ấn tượng mạnh nhất ấy là khi Hoa leo lên đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh núi cao nhất vùng đông bắc Việt Nam (2419 mét), nó được coi là “mái nhà của những cây trà cổ linh thiêng”. Với địa thế hiểm trở, độ cao lớn, khí hậu khắc nghiệt, thảm thực vật nguyên sinh phong phú, nơi đây đã trở thành vùng đất lý tưởng để những cây trà Shan Tuyết cổ thụ sinh trưởng tự nhiên hàng trăm năm.
Lê Thị Hoa kể: đi dọc các bản Dao đỏ ở xã Cao Bồ, Phương Tiến, chúng tôi được dân địa phương dẫn vào khu rừng nguyên sinh, nơi có những cây trà cổ cao từ 7 đến 10 mét, tán rộng như tán cổ thụ giữa rừng. Nhiều cây to hai, ba người ôm, lớp vỏ xù xì phủ đầy rêu xanh, chứng tích của trăm năm sống giữa sương giá và mây mù. Cụ bà Lý Thị Dinh, 82 tuổi, người Dao đỏ nói với tôi bằng giọng run run: “Cây này đời ông cố tôi đã uống nước. Nó không phải cây, nó là tổ tiên, là thần linh đấy con ạ”. Câu nói ấy khiến tôi lặng người. Hàm lượng Polyphenol và EGCG trong trà cổ Tây Côn Lĩnh rất cao nhờ điều kiện sinh trưởng khắc nghiệt. Trà phải hái vào buổi sớm, khi sương còn đọng trên búp, bởi theo kinh nghiệm dân gian, đó là lúc “trà đầy khí trời, mát gan, sạch máu”. Phương pháp sao trà ở đây vẫn còn thủ công, dùng củi rừng, chảo gang lớn, sao tay trong 6 đến 8 giờ liên tục. Trà sau khi sao được sấy bằng bếp củi, phơi trong lồng tre. Mỗi mẻ trà mang theo cả mùi khói, mùi núi và mùi người. Rất nhiều chuyên gia dược liệu và phát triển sản phẩm đã về đây khảo sát và chọn Tây Côn Lĩnh làm vùng nguyên liệu nền tảng cho các dòng cao trà trị liệu. Không dễ đến Tây Côn Lĩnh. Nhưng một khi đã đặt chân tới, ngồi bên bếp lửa giữa sương, uống một chén trà cổ mới hái, bạn sẽ hiểu và thấm sâu lẽ sinh tử của kiếp người.
Nơi tiếp theo Hoa đến là Suối Giàng, Yên Bái chính là vương quốc của những cây Shan Tuyết có độ tuổi rất cao. Ở độ cao gần 1400 mét so với mặt nước biển. Khí hậu mát lạnh quanh năm, đất đỏ ba zan xen lẫn đá núi, cùng sự trong lành của môi trường sinh thái đã tạo nên điều kiện lý tưởng để cây trà Shan Tuyết sinh trưởng tự nhiên. Toàn xã Suối Giàng hiện có khoảng 500 ha trà cổ, trong đó có hàng vạn cây tuổi đời từ 100 đến 300 năm, mọc thành cụm hoặc rải rác giữa rừng. Cây cao tới 10 mét, thân to, mốc trắng, phải trèo lên mới hái được búp non. Người dân ở đây coi cây trà là “lộc trời ban”, linh thiêng và quý giá như báu vật. Câu chuyện về tổ tiên ươm trà, sao trà được lưu giữ trong những lời kể, những câu hát ru, trong cả những nghi thức tâm linh như “Lễ hội Hái trà Đầu Năm”, một lễ hội đặc sắc diễn ra vào đầu mùa xuân, mang đậm tín ngưỡng nông nghiệp và lòng biết ơn trời đất. Hiện nay trà San Tuyết Suối Giàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tour du lịch uống trà kết hợp với trải nghiệm văn hoá bản địa.
Nơi thứ ba Hoa đến là huyện Bắc Yên, Sơn La có trà Shan Tuyết vùng Tả Xùa. Với độ cao từ 1500 - 1800 mét, Tả Xùa sở hữu khí hậu lạnh sâu, biên độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, sương mù dầy dặc quanh năm. Chính điều kiện khắc nghiệt ấy mà cây trà ở đây phát triển chậm, tích tụ nhiều dưỡng chất, cho ra những búp trà đậm vị, giầu dược tính. Người Mông ở Tả Xùa không chỉ hái trà mà còn thiền trà. Họ thường ngồi im lặng hàng giờ dưới gốc cây trước khi hái, coi đó là cách để tâm tịnh, tay vững và búp trà được hái ra trong trạng thái năng lượng tốt nhất. Những cụ già người Mông nói: “Phải cho trà nói chuyện xong với sương thì mới hái”.
Khác với Suối Giàng hay Tả Xùa, trà Shan Tuyết ở Phìn Hồ, Yên Bái còn ít người biết đến, nhưng lại sở hữu một kho tàng đặc biệt: sự kết hợp hài hoà giữa trà Shan Tuyết và các dược liệu bản địa. Ở đây cây trà mọc xen giữa những rừng hoàng liên, hồi núi, rễ cam thảo dại, địa liền, sâm đất…Cho nên người Dao ở Phìn Hồ sản xuất ra những bài thuốc rất nổi tiếng bằng trà Shan Tuyết kết hợp với hai vị thuốc gia truyền để chữa các bệnh: giải độc gan, tăng cường chức năng thận (trà phối hoàng liên, cam thảo rừng); an thần, cải thiện giấc ngủ sâu (trà phối địa hoàng, lá vông); trị cảm mạo phong hàn (trà phối gừng rừng, sả núi)…
Từ những chuyến hành trình qua 4 vùng trà cổ đặc sắc nhất Việt Nam, Lê Thị Hoa có thể khái quát được một số yếu tố then chốt tạo nên “Giá trị khác biệt và đẳng cấp dược liệu của trà cổ thụ Việt Nam so với trà trồng công nghiệp hay trà các quốc gia khác”. Hoa quyết định sản xuất cao trà Mục Nhan là vì thế. Hiện nay xưởng sản xuất của Hoa đặt ở Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Quy trình sản xuất cao trà của Hoa là phương pháp bán thủ công bằng công nghệ ủ lên men gia truyền độc đáo, nhưng thành quả là những lọ cao trà, hộp cao trà đã được khách hàng chấp nhận.
Ngày 18/5/2025, tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng xác lập kỷ lục cho Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Nông nghiệp Vườn Táo Cổ là đơn vị sản xuất “Cao trà Mục Nhan”, cao trà xanh ở dạng tinh thể có hàm lượng Polyphrnol cao nhất Việt Nam (đạt 45,1%).Hiện nay, cao trà Mục Nhan đang bán tại Công ty cổ phần thương mại dịch vụ nông nghiệp Vườn Táo Cổ, Ngõ 264, Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội hoặc tại nhà riêng: số nhà 19, ngõ 87, đường Láng Hạ, Hà Nội.