![]() |
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND các xã, phường có vùng trồng và cơ sở liên quan đến chế biến, đóng gói sầu riêng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và giám sát định kỳ các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số |
Niên vụ sầu riêng năm 2025 của cả nước đã và đang bước vào giai đoạn thu hoạch, chế biến để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, thời gian qua, một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị trả về do không đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, cụ thể là bị phát hiện tồn dư cadimi và chất vàng ô – những hợp chất bị cấm trong nông sản. Vụ việc không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành hàng sầu riêng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để chủ động ứng phó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND các xã, phường có vùng trồng và cơ sở liên quan đến chế biến, đóng gói sầu riêng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và giám sát định kỳ các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đối với các vùng chưa được cấp mã, khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất theo quy trình bền vững, tích cực đăng ký cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Các địa phương cũng phải phối hợp với cơ quan chuyên ngành để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định, đồng thời tổng hợp, báo cáo số lượng cơ sở thu mua, chế biến sầu riêng về Sở.
Đối với các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, đóng gói, Sở yêu cầu phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nghiêm cấm sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Các cơ sở cần tiến hành tổng vệ sinh, khử trùng kho tàng, nhà xưởng, phương tiện vận chuyển để xử lý triệt để tồn dư chất vàng ô trước ngày 25/7/2025, đồng thời phải gửi báo cáo xác nhận không còn tồn dư về Sở để giám sát.
Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cũng được giao vai trò chủ lực trong việc kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu bền vững. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, Hiệp hội cần hướng dẫn hội viên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tránh các hợp chất chứa cadimi, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp đồng bộ trong quá trình triển khai. Cụ thể, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng vùng trồng; Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; Chi cục Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất; trong khi đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản giữ vai trò chủ trì giám sát chất lượng, xử lý vi phạm và tổng hợp báo cáo.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và các tổ chức, hiệp hội, tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực từng bước xây dựng ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt là về an toàn thực phẩm. Đây không chỉ là giải pháp ngắn hạn cho niên vụ 2025, mà còn là định hướng lâu dài để sầu riêng Đắk Lắk khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản quốc tế./.