![]() |
Sản phẩm tinh bột nghệ Ánh Mai, nghệ lát, nghệ nguyên củ sấy khô của HTX nông sản dược liệu Ánh Mai. |
Chuyển hướng đam mê
Sau khi tốt nghiệp đại học Học viện Hành chính Quốc gia, chuyên ngành quản lý Nhà nước, Vi Thị Ánh (SN: 1992, dân tộc Thái, thôn 6, xã Thọ Bình, tỉnh Thanh Hóa) đã không theo đuổi chuyên ngành đã học, mà chọn trở về quê nghèo để khởi nghiệp.
Ánh sinh ra và lớn lên ở vùng quê xung quanh bao bọc bởi đồi núi đá, thu nhập chính chủ yếu từ cây sắn, cây keo, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến nhiều diện tích đất bỏ hoang, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn…
Nói về việc chuyển hướng sang làm nông nghiệp, Ánh kể: Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, chuyên ngành quản lý Nhà nước, tôi làm nhiều nơi với đúng chuyên ngành mình được đào tạo. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, tôi về quê thì thấy đất đai nhiều diện tích bị bỏ hoang, thấy tiếc nên tôi bàn với chồng nghỉ công việc hiện tại để về quê khởi nghiệp làm nông nghiệp. Điều mong muốn lớn nhất của tôi là muốn người dân làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Từ đó sẽ thay đổi nhận thức, phương thức làm kinh tế cho những người nông dân vùng quê nghèo.
Sau nhiều đêm lên mạng Internet tìm tòi những cây để trồng trên mảnh đất cằn cỗi, chị Ánh nhận thấy cây nghệ nếp đỏ có những đặc tính phù hợp, dễ phát triển với thổ nhưỡng đất nơi đây. Hơn nữa, cây nghệ nếp đỏ dễ chăm sóc, chế biến ra được nhiều loại sản phẩm, đặc biệt, chất hoạt chất curcumin có trong củ nghệ được sử dụng để bào chế thuốc. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thị trường trong và ngoài nước cao nên cây nghệ có giá trị kinh tế. Vì vậy, năm 2016, chị Ánh quyết định đưa giống nghệ nếp đỏ về trồng thử nghiệm.
Ban đầu, cây nghệ nếp đỏ phát triển tốt khi trồng trên vùng đất Thọ Bình. Năm đầu tiên nghệ cho sản lượng tương đối cao trên một diện tích trồng, nghệ nếp đỏ chất lượng tốt, kiểm nghiệm hoạt chất có trong nghệ cao hơn so với các nơi khác, màu củ đậm. Thấy được chất lượng và sản lượng nghệ nếp đỏ tương đối cao, chị Ánh đã vận động người thân và người dân trong xóm trồng xen canh với cây trồng khác để có thêm thu nhập. “Hộ nào trồng vài mẫu thì có thu nhập cao, hộ trồng xen canh dưới cây đào, cây ăn quả thì có thêm thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm…”, Ánh chia sẻ.
![]() |
Chị Ánh đã mang làn gió mới từ cây nghệ nếp đỏ về vùng quê nghèo Thọ Bình. |
Thấy nghệ nếp đỏ cho hiệu quả kinh tế cao là vậy, nhưng buổi ban đầu khởi nghiệp chị Ánh cũng gặp không ít khó khăn về đầu ra. Với 1ha nghệp nếp đỏ được chị Ánh chồng, sau một năm, cây nghệ cho thu hoạch với sản lượng gần 10 tấn, thế nhưng, giá nghệ thời điểm đó chạm đáy, không có đơn vị thu mua.
Khó khăn là vậy, nhưng chị Ánh vẫn không từ bỏ, chị lại chuyển hướng sang chế biến các sản phẩm từ nghệ. Mục tiêu hướng đến của chị là tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra cho người dân, tạo niềm tin vững chắc để bà con yên tâm sản xuất.
![]() |
Sản phẩm tinh bột nghệ được áp dụng công nghệ sấy lạnh để đảm bảo hoạt chất có trong sản phẩm không bị mất đi. |
Để làm được điều này, những năm qua những hộ dân liên kết chồng nghệ nếp đỏ với chị Ánh đều phải thực hiện các yêu cầu về sản xuất phải canh tác an toàn, bền vững, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng của củ nghệ, đất trồng.
Tập trung chế biến chuyên sâu
Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, Ánh tâm sự: “Nghệ trồng ra không có đơn vị thu mua, lúc đầu thấy nản và thất vọng. Tuy vậy, đã làm thì phải quyết tâm, vậy là tôi nghĩ đến việc chế biến các sản phẩm từ nghệ, rồi quyết định đầu tư thiết bị chế biến tinh bột nghệ. Rất là may cho mình là khi đó trên thị trường, tinh bột nghệ rất ít, sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, giá bán lại khá cao, ở mức 800 nghìn đồng/kg… Mình dùng số tiền đó tiếp tục trồng nghệ”.
![]() |
Cây nghệ nếp đỏ của người dân Thôn 6, xã Thọ Bình tăng thêm thu nhập, giúp ổn định cuộc sống. |
Đến năm 2018, gia đinh chị Ánh mở rộng thêm 2ha nghệ nếp đỏ, đồng thời vay mượn tiền để mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc để sản xuất và chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ nghệ. Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chị Ánh đã hỗ trợ người dân về giống, sau khi thu hoạch sẽ hoàn trả và cam kết bao tiêu nghệ cho nhân dân sau khi thu hoạch.
Đến năm 2023, chị Ánh đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông sản dược liệu Ánh Mai và vận động các hộ liên kết sản xuất. Đến nay, HTX có 7 hộ liên kết, mở rộng vùng trồng lên 8ha, cung cấp hàng trăm tấn nghệ tươi cho thị trường trong nước, các đơn vị xuất khẩu và nhiều tấn sản phẩm sau chế biến như: tinh bột nghệ, nghệ lát sấy khô, nghệ khô nguyên củ... HTX tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ tại địa phương.
Những sản phẩm từ cây nghệ nếp đỏ mang thương hiệu “HTX nông sản dược liệu Ánh Mai” của chị Ánh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Cây nghệ nếp đỏ đã thổi làn gió mới vào vùng quê nghèo, giúp người nông dân nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất của mình. Năm 2024, chị Ánh vinh dự nhận phần thưởng cao quý dành cho “Nhà nông trẻ” tiêu biểu, xuất sắc - giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.