![]() |
Để đạt chứng nhận PGS, người nông dân phải trải quá trình đánh giá nghiêm ngặt của nhiều bên liên quan |
PGS là một hệ thống chứng nhận có sự tham gia của nhiều bên
Hiện nay, tổ chức PGS Việt Nam là hệ thống gồm 3 phần tử hợp thành: (1) Nhóm nông dân bao gồm các cá nhân nông dân tự nguyện tham gia; (2) Liên nhóm nơi kết nối các nhóm nông dân tại địa phương thành mạng lưới cùng sự tham gia với các bên liên quan; (3) Ban điều phối nơi có sự tham gia của người sản xuất, tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà khoa học…Mỗi phần tử có chức năng, quyền hạn và quy chế hoạt động riêng, có tác động và chi phối lẫn nhau để hỗ trợ nông dân sản xuất, giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ.
Các chính sách liên quan đến việc thúc đẩy sản xuất thông qua hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng đang được nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ. Một trong những thách thức lớn của sản xuất là làm thế nào để quản lý và bảo đảm nguyên vẹn chất lượng theo chuỗi sản phẩm. Qua nhiều khâu và công đoạn trong chuỗi, sản phẩm có tính rủi ro cao vì khó đảm bảo rằng chất lượng qua các khâu phải đều được tuân thủ quy định. Vì thế hoạt động đánh giá và công nhận sự phù hợp quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn mà người sản xuất lựa chọn được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong đó, sự đảm bảo chất lượng được cung cấp bởi người tiêu dùng (chứng nhận bởi bên thứ hai (chính là đặc điểm hoạt động của hệ thống chứng nhận PGS). Tức là trong quá trình sản xuất sẽ có sự tham gia của cộng đồng, tham gia của nhiều bên liên quan và sự tham gia của người nông dân, người tiêu dùng sẽ là những người công nhận cho chính các sản phẩm được chăm sóc ở đây là đảm bảo tuân thủ theo những tiêu chuẩn đã được quy định. Chính vì vậy, chứng nhận PGS là giải pháp hữu hiệu đưa nông dân và người tiêu dùng tới gần nhau hơn và cùng tham gia trực tiếp vào trong mạng lưới sản xuất nhằm kiểm soát chất lượng.
Hơn nữa, do tính phổ biến khi ở những địa phương có hoạt động canh tác hữu cơ, người tiêu dùng khi tham gia vào mạng lưới PGS được tìm hiểu cụ thể quá trình sản xuất, tận mắt chứng kiến người nông dân đã làm gì, và chăm sóc cây trồng như thế nào. Khi đó người tiêu dùng sẽ cảm thấy yên tâm và tin tưởng lựa chọn sản phẩm. Đối với nông dân họ sẽ tự tin sản xuất hơn và có trách nhiệm đối với những sản phẩm do chính tự tay làm ra khi được bán trên thị trường.
Để được công nhận là một hệ thống chứng nhận, người nông dân phải được đào tạo, được tổ chức lại, tham gia trong các bộ phận chức năng chuyên môn, có các chuyên gia hỗ trợ, được đào tạo trở thành những đánh giá viên nội bộ biết vận dụng phương pháp, kỹ năng đánh giá và am hiểu về đối tượng sản xuất cùng các quy trình, thủ tục và phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tổ chức chứng nhận theo các tiêu chí đã được quy định.
Tiêu chuẩn để người nông dân tham gia đạt chứng nhận
Để được cấp chứng nhận PGS, điều kiện sản xuất của các hộ nông dân phải phù hợp với các quy định của tiêu chuẩn PGS quy chuẩn về đất nước của nhà nước Việt Nam. Tiêu chuẩn PGS được phát triển dựa trên các nguyên tắc nông nghiệp hữu cơ của IFOAM như sau:
Đất và nước sử dụng trong trồng trọt hữu cơ phải đảm bảo theo quy chuẩn QCVN- 08-MT:2023 BTNMT VÀ QCVN 09-MT:2023 BTNMT và QCVN 03 – MT:2023 BTNMT. Ngoài ra, khu vực sản xuất hữu cơ cần phải được cách ly khỏi các nguồn ô nhiễm như nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu đang xây dựng, trục đường giao thông chính…
Sử dụng các biện pháp canh tác, thân thiện với môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Không sử dụng hóa chất tổng hợp, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường...
Các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất tổng hợp kích thích sinh trưởng đều bị cấm sử dụng, chỉ được phép sử dụng bởi các nông dân đã có đăng ký với PGS và được chấp thuận. Cấm sử dụng phân người, phân ủ được làm từ rác thải đô thị và đồng thời phân động vật lấy vào từ bên ngoài trang trại phải được ủ nóng trước khi dùng trong canh tác hữu cơ.
Bên cạnh đó, PGS yêu cầu không được sử dụng các túi và vật đựng các chất cấm trong canh tác hữu cơ để vận chuyển và cất giữ sản phẩm hữu cơ. Cấm đốt cành cây và rơm rạ, ngoại trừ phương pháp du canh truyền thống đồng thời cấm sử dụng tất cả vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen (GMO).
Các tiêu chuẩn này đều nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ chính là một giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và gia tăng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao đời sống xã hội.
![]() |
Các chuyên gia cùng nông dân kiểm tra chất lượng sản phẩm trực tiếp tại đồng ruộng |
Việc giám sát, kiểm tra trong quá trình sản xuất đều được thực hiện bởi tất cả các bộ phận trong hệ thống, từ mỗi hộ nông dân bên trong sản xuất thực hiện, cho đến cán bộ kỹ thuật của tổ chức điều phối hoặc các tổ chức hỗ trợ, người tiêu dùng và sự giám sát từ phía diện doanh nghiệp tiêu thụ. Ban kiểm tra sẽ đến tận ruộng vườn để quan sát thực tế, đối chiếu nhật ký sản xuất, kiểm tra nguồn gốc vật tư đầu vào, quan sát hiện trường và lập biên bản kiểm tra chi tiết. Mục tiêu của hoạt động thanh tra 6 tháng 1 lần là xác nhận nông dân tuân thủ, việc giám sát, kiểm tra ngẫu nhiên thường xuyên là để phát hiện sớm các sai lệch, giúp hộ sản xuất điều chỉnh kịp thời và tăng tính minh bạch trong toàn hệ thống |
Quy trình tham gia cấp giấy chứng nhận PGS
PGS có quy trình đánh giá và các thủ tục giống với các hệ thống chứng nhận khác đang vận hành hiện nay. Điểm khác biệt lớn của PGS đó là thay vì được thực hiện đánh giá độc lập từ bên ngoài, chính những người nông dân được đào tạo nghiệp vụ thanh tra sẽ thực hiện công việc này cùng với các bên, bao gồm; Nhà sản xuất, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội. Vì vậy, PGS còn được gọi là một hệ thống chứng nhận có sự tham gia, điều này giúp đảm bảo chứng nhận được khách quan và toàn diện,
Việc cấp chứng nhận được thực hiện ở tất cả các nhóm nông dân, sẽ có một hệ thống chứng nhận do PGS điều hành để quản lý giám sát đảm bảo minh bạch dòng lưu thông của sản phẩm từ khâu sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng. Khi được công nhận sản xuất tuân thủ quy định, người nông nông dân sẽ được sử dụng chứng nhận đạt chuẩn do PGS cấp để hỗ trợ sản xuất. Tiến trình cấp chứng nhận diễn ra như sau:
Đầu tiên, các hộ nông dân sẽ phải đăng ký tham gia vào nhóm sản xuất và cần nộp đơn đăng ký Liên nhóm địa phương nơi nông dân đang sản xuất. Đồng thời ký cam kết tuân thủ sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy định quản trị của hệ thống PGS. Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng vào 2008 dựa trên tiêu chuẩn quốc tế (IFOAM) và được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Hiện nay tiêu chuẩn PGS được thay thế bằng tiêu chuẩn của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam TCCS 01:2024/VOAA: “Hệ thống sản xuất Nông nghiệp Hữu cơ – các nguyên tắc chung và tiêu chuẩn quản lý” (Gọi tắt là tiêu chuẩn VOAA). Tiêu chuẩn VOAA được Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ bổ sung dựa trên tiêu chuẩn hữu PGS Việt Nam, được công bố vào ngày 17 tháng 4 năm 2024 thay thế tiêu chuẩn PGS Việt Nam, được IFOAM Quốc tế đánh giá công nhận vào tháng 5 năm 2025
Thứ hai: Người nông dân được yêu cầu tham gia các khóa tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, bao gồm các nội dung như nguyên tắc sản xuất hữu cơ, cách làm phân, kiểm soát sâu bệnh bằng biện pháp sinh học, quy trình ghi chép nhật ký sản xuất và các phương pháp đảm bảo vệ sinh đồng ruộng. Việc đào tạo không chỉ là điều kiện tiên quyết để cấp chứng nhận, mà còn là nền tảng để tạo nên sự hiểu biết chuẩn xác về sản xuất hữu cơ. Trong trường hợp nông dân không đi học, sẽ không được tham gia vào hệ thống chứng nhận PGS.
Sau khi hoàn thành các hộ nông dân sẽ ký cam kết thực hiện theo các tiêu chuẩn và thủ tục cấp chứng nhận PGS và được cấp mã ID. Đồng thời, nông dân cũng sẽ phải hoàn thành và nộp lại cho liên nhóm một bản kế hoạch quản lý đồng ruộng, liên quan đến việc đất trồng đạt yêu cầu về các chỉ số.
Thứ ba: Liên nhóm sẽ thẩm tra kế hoạch quản lý đồng ruộng của nông dân, để đảm bảo hoàn thành đầy đủ theo các yêu cầu của PGS. Liên nhóm sẽ lập kế hoạch và điều phối công tác thanh tra chéo giữa các nhóm sản xuất và thông báo tới các doanh nghiệp, Ban điều phối, để cùng tham gia cuộc thanh tra chéo. Bước thanh tra chéo nội bộ, là bước mà thành viên trong nhóm sản xuất sẽ tiến hành kiểm tra chéo lẫn nhau dựa trên lịch kiểm tra định kỳ (thường mỗi nhóm sản xuất là 6 tháng có 1 lần tổ chức thanh tra có báo trước và mỗi tháng ít nhất một lần kiểm tra ngẫu nhiên cùng sự giám sát hàng ngày của cộng đồng).
Thứ tư: Đồng ruộng của các hộ sản xuất sẽ được thanh tra bởi các thành viên trong nhóm sản xuất khác. Trong quá trình thanh tra, có thể sẽ lấy mẫu rau trên đồng ruộng, để kiểm tra nếu thấy có sự bất thường. Nông dân sẽ được miễn kiểm tra khâu này, nếu đã được kiểm tra trong vòng 12 tháng trước đây hoặc nếu nông dân đã có chứng nhận rau an toàn. Kết quả thanh tra sẽ được ghi lại theo biểu danh mục thanh tra và người nông dân sẽ ký xác nhận, trường hợp nông dân có bất kỳ ý kiến nào thì nhóm thanh tra sẽ phải ghi bổ sung ý kiến đó vào trong báo cáo.
Thứ năm: Nhóm điều phối sẽ kiểm tra ngẫu nhiên tại đồng ruộng hoặc tại các cửa hàng, để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm. Nhằm mục đích là để kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tổng hợp, đảm bảo sản phẩm không chứa các chất cấm theo quy định của PGS. Việc kiểm tra dư lượng thuốc sâu sẽ được điều khiển bởi nhóm điều phối nhưng liên nhóm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động nếu được yêu cầu.
Thứ sáu: Liên quan đến việc xử lý vi phạm, Ban điều phối sẽ tiến hành họp đưa ra quyết định ngay sau khi các báo cáo và tài liệu thu được từ thanh tra đã được trưởng Ban điều phối thông qua. Dựa vào các kết quả thanh tra cụ thể mà Ban điều phối có thể đưa ra các hình thức xử lý vi phạm sau:
Hình thức nhắc nhở: Được áp dụng đối với các lỗi vi phạm như thiếu sót nhỏ trong ghi chép hoặc lưu giữ hồ sơ sổ sách.
Hình thức cảnh cáo bằng văn bản: Áp dụng khi các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn hoặc điều lệ; Bị nhắc nhở lần thứ ba về cùng một vấn đề; Không đáp ứng các điều kiện cấp chứng nhận; Hoặc có thiếu sót lớn trong ghi chép, lưu giữ hồ sơ, sổ sách.
Hình thức đình chỉ: Khi có các vi phạm như tái phạm nhiều lần các lỗi nhỏ liên quan đến các tiêu chuẩn hoặc luật lệ; Hoặc có vi phạm rõ rệt gây ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm. Khi đó, liên nhóm sẽ không cho phép nông dân sử dụng nhãn hiệu của PGS để bán các sản phẩm của mình cho đến khi các hành động khắc phục được thực hiện đầy đủ theo yêu cầu.
Hình thức rút lại quyết định cấp chứng nhận: Với các vi phạm nghiêm trọng ảnh hướng đến tính liêm chính của sản phẩm. Ví dụ: Sử dụng các loại thuốc sâu bị cấm hoặc phân bón tổng hợp, với hình thức này, nông dân sẽ không có quyền bán sản phẩm dưới hệ thống PGS trong khoảng thời gian 36 tháng.
Hình thức chấm dứt tham gia: Được áp dụng đối với các trường hợp vi phạm lặp lại dẫn đến bị cảnh cáo; Có hành vi gian lận rõ rệt; Bị đình chỉ rút chứng nhận. Hoặc từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Dựa trên báo cáo thanh tra theo danh mục và các báo cáo khác cũng như kiểm tra bản cam kết của người nông dân và kế hoạch quản lý đồng ruộng. Hội đồng chứng nhận liên nhóm sẽ ra quyết định về tình trạng cấp chứng nhận của các ruộng, quyết định sẽ được gửi tới nhóm điều phối trong đó bao gồm các hoạt động cần thực hiện nếu có sai phạm. Chứng nhận PGS được cấp bằng văn bản chính thức, trong đó ghi rõ tên hộ sản xuất, địa điểm, loại cây trồng, diện tích sản xuất, thời gian có hiệu lực và cơ quan cấp chứng nhận. Trong thời gian chứng nhận còn hiệu lực, hộ sản xuất vẫn phải duy trì giám sát định kỳ, tiếp tục ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, chấp nhận các đợt kiểm tra đột xuất hoặc tái thẩm định nếu có nghi ngờ sai phạm. Nếu phát hiện sai phạm, các hộ có thể bị cảnh báo và yêu cầu khắc phục trong thời gian cụ thể; nhưng nếu vi phạm nghiêm trọng, như sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp hoặc có hành vi gian lận thông tin, thì chứng nhận sẽ bị thu hồi ngay lập tức. Tất cả các hồ sơ liên quan đến chứng nhận đều được lưu trữ công khai trong hệ thống quản lý của PGS nhằm đảm bảo tính minh bạch và dễ dàng truy xuất khi cần. Hàng năm, các báo cáo thanh tra để các thành viên của liên nhóm sẽ tái thanh tra các khu vực sản xuất này và báo cáo tới hội đồng chứng nhận liên nhóm về các kết luận tái thanh tra theo danh mục. Hội đồng chứng nhận sẽ thông qua các báo cáo này và ra quyết định phê chuẩn hoặc thay đổi tình trạng chứng nhận cho nông dân. Những khu vực được tái thanh tra sẽ được đánh dấu trong hệ thống dữ liệu.
|