![]() |
Ảnh minh họa |
Giám đốc hợp tác xã Nông sản Misaki Xín Mần, Lục Sơn Bách, không giấu được niềm vui khi chia sẻ: "Hợp tác xã hiện liên kết với gần 1.000 hộ nông dân trong huyện. Từ đầu vụ Đông đến nay, chúng tôi đã thu mua và chế biến xuất khẩu trên 350 tấn củ cải, 250 tấn gừng và gần 120 tấn củ kiệu."
Tự hào điểm danh những nông sản "vàng" của địa phương: "Tiếp nối gạo Già Dui, chè Shan tuyết Chế Là, nếp cái hoa vàng Quảng Nguyên, giờ đây củ cải, gừng, kiệu Xín Mần đã có mặt tại Nhật Bản. Cá tầm, dê lai, măng Bát độ, khổ qua rừng cũng dần chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Tất cả là nhờ sự kết nối chuỗi giá trị."
Mấu chốt của thành công này nằm ở sự hợp tác chặt chẽ, trong đó hợp tác xã và doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc kiến tạo sản xuất, bao tiêu sản phẩm và lo đầu ra. Người nông dân được tập huấn kỹ thuật, yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi càng củng cố thêm sức mạnh cho chuỗi liên kết này.
Điển hình như tại xã Xín Mần, anh Hoàng Văn Mơi đã có hai năm liên tiếp gắn bó với hợp tác xã Misaki trồng củ cải xuất khẩu. Vụ Đông năm qua, trên diện tích 1,7 ha, anh thu hoạch hơn 200 tấn củ cải và thu lãi ròng trên 250 triệu đồng. Hàng trăm hộ dân khác trong xã cũng đang hợp tác với hợp tác xã trên diện tích gần 30 ha, toàn bộ sản phẩm đều được bao tiêu.
Tại xã Cốc Rế, mô hình nuôi dê lai theo chuỗi cũng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Anh Tráng Đức Văn, Tổ trưởng tổ chăn nuôi dê lai thôn Chang Khâu, cho biết tổ có gần 30 hộ liên kết với doanh nghiệp Tiến Thành (Tuyên Quang). Doanh nghiệp cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá thu mua ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất. Vận hành theo cơ chế mới chắc chắn các xã ở Xín Mần có cơ hội hợp tác và phát triển chuỗi giá trị nông sản lên tầm cao mới.
Lên đến Nấm Dẩn, những trang trại nuôi cá tầm liên kết với hợp tác xã Thủy sản Đại An (Lào Cai) cũng cho thấy tiềm năng lớn. Hợp tác xã đầu tư giống, hỗ trợ vốn và bao tiêu 100% sản phẩm, mở ra hướng đi mới cho người dân vùng cao. Ở các xã phía Nam như Nà Chì, Khuôn Lùng, người dân đã liên kết trồng trên 40 ha tre măng Bát độ. Mô hình "lãi kép" từ thu hoạch măng và lá tre mang về thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng/ha mỗi năm, đồng thời tận dụng hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động địa phương.
Nhờ sự định hướng đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự hợp tác hiệu quả giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, Xín Mần từ một huyện nghèo khó nhất tỉnh đã vươn mình trở thành một vùng kinh tế năng động. Việc xây dựng và củng cố chuỗi giá trị nông sản đã tạo ra động lực mạnh mẽ, giúp nông sản Xín Mần ngày càng vươn xa trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương./.