![]() |
Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh |
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức các đoàn thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Ngoài ra, có 14 cơ sở không đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, Sở cũng đã cấp mới 03 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có 01 cơ sở giết mổ và 02 cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống.
Song song đó, công tác hậu kiểm được triển khai theo đúng quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Đã có 03 đoàn kiểm tra được tổ chức, với tổng cộng 57 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản và muối được kiểm tra. Mặc dù không có mẫu thực phẩm nào bị phát hiện không đạt chất lượng, một cơ sở vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 17,5 triệu đồng.
Sở Công Thương cũng triển khai 01 cuộc kiểm tra chuyên ngành và 02 cuộc kiểm tra liên ngành trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán và “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Tổng cộng 20 cơ sở được kiểm tra, trong đó 10 mẫu thực phẩm được lấy và đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn có 05 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền 34 triệu đồng.
Giám sát chất lượng sản phẩm nông sản
Công tác giám sát an toàn thực phẩm theo Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT cũng được chú trọng. Trong năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường dự kiến tổ chức 02 đợt giám sát, với khoảng 90 mẫu được lấy tại các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, tỉnh đã lên kế hoạch giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng trồng có mã số, với tổng cộng 134 mẫu, bao gồm 130 mẫu sầu riêng, 02 mẫu chuối và 02 mẫu ớt.
Cùng với đó, Sở Công Thương ban hành công văn chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp tăng cường quản lý sản xuất, lưu thông thực phẩm, chống gian lận thương mại. Từ tháng 1 đến tháng 5/2025, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 34 cơ sở, phát hiện 28 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa gần 120 triệu đồng. Tổng tiền xử phạt lên đến 264 triệu đồng, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc bị buộc tiêu hủy, như thực phẩm đông lạnh, kẹo, trái cây sấy và khô gà không nhãn mác.
Kiểm tra, giám sát vật tư nông nghiệp
Sở Nông nghiệp và Môi trường còn triển khai 03 đoàn thanh tra, kiểm tra lớn, bao gồm cả đợt kiểm tra đột xuất và các chiến dịch trong dịp cao điểm. Kết quả, 25 cơ sở bị kiểm tra, lấy 08 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, tất cả đều đạt chất lượng. Tuy nhiên, có 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, với tổng số tiền lên đến 170 triệu đồng.
Riêng lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đã có 23 cơ sở kinh doanh và 32 hộ nông dân tại các vùng sản xuất rau, củ, quả bị kiểm tra. Dù không phát hiện hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác vẫn ghi nhận hiện tượng nông dân sử dụng thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng và tồn tại nhiều mẫu thuốc không phù hợp với loại cây trồng. Tuy vậy, không có cơ sở nào bị xử phạt do thiếu bằng chứng trực tiếp.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn gặp khó khăn. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nắm rõ quy định pháp luật, chưa chủ động chấp hành yêu cầu về đăng ký, chứng nhận. Hạ tầng kiểm nghiệm, thiết bị phục vụ giám sát còn hạn chế. Việc kiểm soát hàng hóa nông sản nhập từ ngoài tỉnh cũng chưa chặt chẽ, nhất là ở các chợ truyền thống, vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, công tác phối hợp xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiểm tra thực địa vẫn còn lúng túng, thiếu nhân lực chuyên trách.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động hậu kiểm, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời tăng cường hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành quy định pháp luật. Việc mở rộng hệ thống kiểm nghiệm, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng sẽ là trọng tâm để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản Đắk Lắk trên thị trường./.