![]() |
Ảnh minh họa. |
Sau khi Trung ương quyết định sáp nhập ba tỉnh Ninh Bình – Hà Nam – Nam Định, tỉnh Ninh Bình mới chính thức được thành lập với diện tích gần 4.000 km², dân số trên 4,4 triệu người. Với vị trí chiến lược – là cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng với Bắc Trung Bộ, Ninh Bình mới có hệ sinh thái du lịch phong phú, đa dạng bậc nhất cả nước, hội tụ cả di sản thiên nhiên, văn hóa và tài nguyên du lịch tâm linh, sinh thái, biển, đồng quê.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình mới tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả vùng và cả nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng, du lịch đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới – phát triển du lịch liên tỉnh – liên vùng – mang tầm quốc gia và quốc tế.
Lượng khách tăng mạnh, doanh thu bứt phá: Tổng số lượt khách du lịch đến Ninh Bình trong 6 tháng đầu năm đạt 13,98 triệu lượt, doanh thu ước đạt 12.711 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2025, Ninh Bình đón gần 15 triệu lượt khách, trong đó hơn 2 triệu lượt khách quốc tế.
Chuỗi sự kiện, hoạt động đặc sắc lan tỏa thương hiệu: Nhiều sự kiện quy mô lớn được tổ chức như: Tuần Du lịch Ninh Bình 2025 – “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”, Lễ hội Âm nhạc & Sáng tạo Tràng An (FORESTIVAL), Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch cất cánh”... Không chỉ tại Ninh Bình, các chương trình hợp tác quảng bá du lịch liên tỉnh cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, tiêu biểu như “Ngày hội Du lịch Ninh Bình – Hà Nam – Nam Định”, khảo sát sản phẩm liên kết vùng Tam Chúc – Tràng An – Phủ Dầy.
Tăng cường liên kết vùng và định hướng phát triển du lịch tỉnh sau sáp nhập: Việc hợp nhất ba tỉnh mở ra cơ hội to lớn để hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh kết nối các di sản, điểm đến nổi bật như: Quần thể danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính (Ninh Bình); chùa Tam Chúc (Hà Nam); đền Trần – Phủ Dầy – nhà thờ Bùi Chu (Nam Định)… tạo nên “vành đai di sản, văn hóa, tâm linh” độc đáo.
Tỉnh Ninh Bình mới đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch vùng, phát huy lợi thế khác biệt của từng địa phương, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch xanh – thông minh – sáng tạo, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tầm quốc gia, điểm đến di sản đặc sắc của châu Á.