![]() |
Mô hình trồng quất đang giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập, xây dựng thương hiệu nông sản ổn định. |
Bởi chị biết rằng những trái quất sạch do chính tay mình trồng ra sẽ được chuyển về nhà xưởng chế biến, sản xuất ra những sản phẩm được hàng triệu người tin dùng. Theo đó, vùng trồng quất của chị Đặng Thị Kim Oanh (xã Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đang là điểm sáng cho những hộ nông dân khác học hỏi.
Chia sẻ với phóng viên, chị Kim Oanh cho biết, để có được một vườn quất xanh mướt, trĩu quả rộng hơn 3 ha như hiện tại, chị đã trải qua muôn vàn khó khăn. Nhưng với ý chí kiên cường, ham học hỏi cũng như có sự chỉ bảo của cán bộ nông nghiệp xã, chị đã quyết định “đánh cược” với cây quất trên 0,6 ha đất ruộng của gia đình mình.
Nhớ lại những ngày đầu, chị Kim Oanh vẫn còn vẹn nguyên cảm giác lo lắng: “Ban đầu tôi lo lắm, vì ở tỉnh mình làm gì có ai trồng quất lấy quả để mà học hỏi, do đó tôi phải đi nơi khác để xem cách họ làm, cách họ canh tác... sau nhiều đợt khảo sát tôi đã quyết tâm làm, nhưng tôi làm theo hướng trồng quất hữu cơ, nói không với thuốc trừ sâu, cỏ thì làm bằng tay nên công sức bỏ ra nhiều vô kể”.
Sau bao cố gắng, thì cây quất cũng đã đem lại cho tôi hy vọng bởi cây trồng hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Cây lên xanh tốt, sai quả, thương lái tìm đến tận vườn trả giá cao. Thấy hiệu quả rõ rệt, tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích lên hơn 3 ha như hiện nay.
Không chỉ dừng lại ở việc bán quả tươi, bản thân tôi nhận thấy nếu chỉ bán thô thì giá trị không cao mà lại phụ thuộc thương lái. Chính vì vậy, tôi đã mày mò nghiên cứu, quyết tâm chế biến sâu để nâng tầm giá trị cho quả quất quê hương. Sau khi được cơ quan chuyên môn hỗ trợ, tôi cùng gia đình bắt tay vào sản xuất 3 sản phẩm từ quả quất, đó là siro quất gừng mật ong, ô mai quất gừng mật ong và nước chấm quất sả ớt.
Các sản phẩm đều giữ nguyên hương vị tự nhiên, không dùng phụ gia hay chất bảo quản. Nhờ vậy, nhanh chóng được thị trường đón nhận và đạt OCOP 3 sao vào năm 2025 là một cột mốc quan trọng giúp sản phẩm vươn xa hơn và tăng khả năng cạnh tranh. Theo chị Oanh, mỗi năm gia đình thu 30 - 40 tấn quả quất tươi, trong khi các sản phẩm chế biến đạt trên 2.000 hộp/năm.
![]() |
Nhiều hộ dân trong xã Bảo Thắng đang học tập mô hình này của chị Đặng Thị Kim Oanh, chuyển đổi đất ruộng, đất vườn tạp sang trồng quất. |
Quan trọng hơn, mô hình này cũng đã tạo việc làm ổn định cho 5 - 7 lao động thường xuyên, vào vụ cao điểm có thể lên đến hơn 10 người với thu nhập trung bình 9 - 10 triệu đồng/tháng. Chị Trần Thị Cẩm, một lao động tại vườn quất, chia sẻ: “Công việc tại đây giúp tôi có thu nhập ổn định, lại gần nhà, thuận lợi chăm sóc con cái và gia đình”.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Bảo Thắng đánh giá mô hình trồng quất kết hợp chế biến sâu của chị Đặng Thị Kim Oanh là hình mẫu khởi nghiệp nông nghiệp xanh tiêu biểu, giúp khai thác hiệu quả đất đai kém năng suất, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương.
Nhiều hộ dân trong xã đang học tập mô hình này, chuyển đổi đất ruộng, đất vườn tạp sang trồng quất. Chính quyền xã cũng xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình, hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, gắn với du lịch trải nghiệm trong tương lai.
Bằng cách tận dụng thế mạnh địa phương, đồng thời tiếp cận xu hướng tiêu dùng xanh và sạch, mô hình trồng quất kết hợp chế biến của nông dân Bảo Thắng đang góp phần tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng giá trị cao và phát triển bền vững./.