![]() |
Trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar Nha Trang và tặng hoa chúc mừng cho tỉnh Khánh Hòa. |
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố và trao Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với 5 di tích trên địa bàn toàn quốc, trong đó có Tháp Bà Pô Nagar Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa; Quyết định số 1651/QĐ-BVHTTDL ngày 3-6-2025 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, di tích Tháp Bà Pô Nagar có niên đại xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Tháp có giá trị đặc biệt tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử; hiện còn bảo lưu 14 đạo sắc phong và 28 minh văn trên các bia ký cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác. Trải qua quá trình giao lưu, đan xen, tiếp biến văn hóa của lịch sử dân tộc, di tích Tháp Bà hàm chứa những giá trị tiêu biểu của hai dân tộc Chăm - Việt qua hình tượng Thánh Mẫu Thiên Y Ana cũng như tín ngưỡng văn hóa truyền thống lâu đời được duy trì, tiếp nối liên tục và đã trở thành trung tâm thờ Mẫu của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ để cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.
![]() |
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi lễ. |
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa đã được biết tới với tên gọi “Xứ Trầm hương” gắn liền với đó là hình tượng của nữ thần Thiên Y Ana được những nghệ nhân thực hành nghề Trầm hương tôn vinh là thủy tổ của nghề. Với truyền thống và kinh nghiệm lâu đời của nghề Trầm hương, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay đã có nhiều làng nghề, hợp tác xã, nhóm nghề, hộ gia đình làm nghề Trầm hương, góp phần tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc nổi tiếng như: Nhang trầm, vòng trầm, tượng trầm, tinh dầu trầm…, trong đó nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm hương đạt chất lượng cao, uy tín ở trong nước và trên thế giới, đạt chứng nhận chất lượng OCOP, góp phần khẳng định thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa”. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, hiện nay nghề khai thác trầm hương Khánh Hòa vẫn được người dân bảo tồn, gìn giữ những tri thức dân gian trong việc duy trì những kinh nghiệm để phát triển, tái tạo, chế tác làm phong phú và đa dạng các sản phẩm trầm hương đến với mọi người, mọi nhà; tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc và là quà tặng du lịch độc đáo của du khách khi đến với tỉnh Khánh Hòa…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vinh dự được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar Nha Trang và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác, chế biến Trầm hương Khánh Hòa; đồng thời biểu dương những nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa, Nhân dân, nhà nghiên cứu, nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh, Tháp Bà Pô Nagar là biểu tượng thiêng liêng đã tồn tại hơn 12 thế kỷ qua, là minh chứng sống động cho nền văn hóa truyền thống rực rỡ tại nơi đây. Tháp là kiến trúc di tích tôn giáo độc đáo và là nơi kết nối cộng đồng, nơi lưu giữ những tập tục, nghi lễ, những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, nhất là Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar... Việc Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar Nha Trang là sự ghi nhận xứng đáng đối với giá trị lịch sử, văn hóa - nghệ thuật, tâm linh của di tích này; đây không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân tỉnh Khánh Hòa mà còn của toàn thể Nhân dân trong cả nước. Ông cũng đề nghị, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục gìn giữ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Tháp gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường nhằm phát triển du lịch văn hóa tâm linh theo hướng văn minh, an toàn, tôn trọng sự đa dạng bản sắc văn hóa trong cộng đồng...
![]() |
Ông Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi lễ. |
Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar tọa lạc trên đồi Cù Lao thuộc phường Bắc Nha Trang, được đồng bào Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII để thờ nữ thần Pô Inư Nagar (hay còn gọi Pô Nagar). Đến năm 1653, từ sự cộng cư, hòa cư của người Việt và người Chăm đã đánh dấu sự hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Y Ana tại Tháp Bà Pô Nagar. Tháp là một quần thể kiến trúc gồm có tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp. Tuy nhiên, do biến động của lịch sử nên hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng là Mandapa và khu đền tháp. Khu vực Mandapa có 4 hàng cột lớn hình bát giác, xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ. Khu đền tháp hiện còn 4 tháp: Tháp Đông Bắc hay còn gọi là tháp chính, cao 23m, được xây dựng lần đầu vào thế kỷ VIII và được xây dựng lại vào thế kỷ XI, bên trong tháp đặt tượng thờ Nữ thần Pô Nagar; tháp Nam cao 18m, có niên đại xây dựng vào thế kỷ XIII, đây là nơi thờ thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ chồng của Thánh Mẫu Thiên Y Ana nên gọi là tháp Ông; tháp Đông Nam cao 7,1m, có niên đại khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XII, thờ thần Skandha - con thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt, tháp thờ ông bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thánh Mẫu Thiên Y Ana; tháp Tây Bắc cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí, tháp thờ thần Ganesha, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ cô, cậu - con của Thánh Mẫu Thiên Y Ana...