![]() |
Toàn cảnh cuộc họp. |
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành để nghe báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025.
Tại cuộc họp, Sở Tài chính cho biết, năm 2025, tỉnh Khánh Hòa được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 12.851,128 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn được hơn 12.821 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2025, tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân được 5.297,112/12.851,128 tỷ đồng, đạt 41,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước (32,06%).
Về tình hình triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, đường ven biển, tổng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2025 là 2.185,550 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của các dự án này đạt 27%.
Kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa tuy đạt khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng vẫn còn chậm và chưa hoàn thành theo tiến độ so với mục tiêu đề ra. Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đến quý II/2025 đạt từ 50% trở lên kế hoạch vốn giao.
Theo Sở Tài chính, nguyên nhân chậm là do một số dự án đầu tư, sửa chữa trụ sở, nhà làm việc phải tạm dừng khởi công mới; hoặc đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư do thực hiện sắp xếp, tinh gọn, dẫn đến không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để tránh lãng phí; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án còn chậm do khó khăn trong việc xác định giá đất đền bù; việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, xây dựng bảng giá đất gặp nhiều khó khăn...
Sau khi nghe báo cáo, ông Trần Hoà Nam đã đề nghị Sở Tài chính rà soát, tổng hợp và có báo cáo đánh giá tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng; cũng như xây dựng kế hoạch giải ngân vốn trong tháng tiếp theo. Trong báo cáo cần xác định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, địa phương đối với việc triển khai dự án và công tác giải ngân nguồn vốn.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường phải theo dõi công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Các chủ đầu tư, sở, ban, ngành phải tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.