![]() |
Sâm Ngọc Linh, dược liệu quý giá thường được trồng dưới các tán rừng Nam Trà My, Tu Mơ Rông - Việt Nam. |
Rừng được giữ, dược liệu được nuôi – pháp lý dẫn đường
Theo nội dung Nghị định 183/2025/NĐ-CP, việc phát triển cây dược liệu trong rừng phải đảm bảo các nguyên tắc bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng. Hoạt động này không được làm thay đổi mục đích sử dụng rừng, không làm mất đi quyền sở hữu của Nhà nước đối với rừng và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời phải duy trì diện tích, chất lượng rừng và diễn thế tự nhiên.
Bên cạnh đó, loài cây dược liệu được nuôi trồng trong rừng cần có đặc điểm sinh thái phù hợp với điều kiện lập địa từng vùng, và phải nằm trong danh mục cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao do Bộ Y tế ban hành hoặc do UBND cấp tỉnh xác định tại địa phương. Việc lợi dụng hoạt động nuôi trồng để khai thác cây dược liệu tự nhiên trong rừng là hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời, sản phẩm dược liệu sau thu hoạch phải được vận chuyển ra khỏi rừng, không được sơ chế như ngâm, ủ, sấy hay bảo quản, chế biến tại chỗ.
Đặc biệt, đối với các loài dược liệu quý hiếm, nguy cấp, chế độ khai thác và điều kiện cấp mã số trồng cấy sẽ thực hiện theo quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và Công ước CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Cụ thể, Nghị định mới đã bổ sung Mục 4a vào Chương II của Nghị định 156/2018/NĐ-CP, với nội dung tập trung vào các quy định cụ thể về hình thức, phương thức, và quy trình thực hiện hoạt động dược liệu trong rừng.
Đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, chủ rừng là tổ chức được quyền lựa chọn linh hoạt các hình thức triển khai hoạt động nuôi, trồng cây dược liệu. Cụ thể, tổ chức có thể tự tổ chức thực hiện, hợp tác hoặc liên kết với các đơn vị khác, hoặc cho thuê môi trường rừng để phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, mọi hoạt động phải tuân thủ phương án nuôi, trồng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững nhằm đảm bảo nguyên tắc bảo vệ tài nguyên rừng.
Với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, họ cũng có thể tự tổ chức, hoặc liên kết với tổ chức, cá nhân khác để thực hiện hoạt động nuôi, trồng, thu hoạch. Các phương án thực hiện cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
Trong khi đó, rừng sản xuất là rừng trồng do cá nhân hoặc tổ chức đầu tư sẽ có quyền tự quyết định việc phát triển cây dược liệu, miễn không làm thay đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Nghị định cũng khuyến khích các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hình thành các nhóm liên kết để thực hiện phương án phát triển cây dược liệu, nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế và chia sẻ nguồn lực.
Giới hạn hợp lý, mở lối sinh kế cho vùng cao
Đáng chú ý, Nghị định 183/2025/NĐ-CP nghiêm cấm mọi hoạt động nuôi, trồng và thu hoạch cây dược liệu tại các khu vực rừng có giá trị bảo tồn đặc biệt. Cụ thể, lệnh cấm được áp dụng đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn có độ dốc trên 30 độ; cũng như vùng bờ biển đang bị xói lở thuộc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. Quy định này nhằm đảm bảo tuyệt đối chức năng sinh thái và phòng hộ của những khu vực rừng trọng yếu.
Tuy nhiên, đối với một số khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn có độ dốc trên 30 độ, nếu địa phương đánh giá đảm bảo được chức năng phòng hộ (như chống sạt lở, lũ quét, bảo vệ nguồn nước), thì có thể được xem xét chấp thuận đặc biệt bởi Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Phương thức nuôi, trồng cây dược liệu cũng được quy định rõ ràng nhằm phù hợp với từng loại rừng và đảm bảo hiệu quả sử dụng đất rừng bền vững. Đối với rừng đặc dụng, cây dược liệu được phép trồng theo hình thức phân tán hoặc theo đám, nhưng phải bảo đảm phân bố đều trong phạm vi lô rừng và tổng diện tích nuôi trồng không vượt quá 1/3 diện tích của lô rừng đó.
Trong khi đó, đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất, hoạt động nuôi trồng cây dược liệu phải tuân theo mô hình sản xuất kết hợp lâm – nông – ngư nghiệp theo quy định tại Điều 25 và Điều 30 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP, nhằm tận dụng hợp lý tài nguyên và không làm ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng.
Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng được tự quyết định thời điểm và phương thức thu hoạch, miễn là tuân thủ các quy định hiện hành và đúng phương án được phê duyệt.
Việc ban hành Nghị định 183/2025/NĐ-CP được đánh giá là bước đi quan trọng trong việc đồng bộ chính sách phát triển ngành dược liệu Việt Nam. Bên cạnh việc khuyến khích khai thác tiềm năng rừng một cách hợp lý, nghị định cũng góp phần mở rộng cơ hội sinh kế cho người dân vùng trung du, miền núi – nơi có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng cho phát triển dược liệu.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và chính bản thân các chủ rừng. Việc xây dựng phương án trồng, chăm sóc và thu hoạch phải được lập trình bài bản, có sự giám sát thường xuyên để tránh tình trạng biến tướng, gây tổn hại đến tài nguyên rừng hoặc sử dụng sai mục đích./.