![]() |
Mô hình kết hợp trồng lúa và rau màu của anh Võ Văn Ngươn. |
Để có được những thành quả như hiện nay, anh Võ Văn Ngươn chia sẻ: Xuất thân trong một gia đình thuần nông, cuộc sống trước đây của anh Ngươn gặp không ít khó khăn. Gia đình anh canh tác nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh, chủ yếu dựa vào cây lúa, phụ thuộc vào thời tiết, giá cả thị trường. Những năm đầu lập gia đình, với hai bàn tay trắng, anh vừa làm thuê vừa tích góp từng chút để mua lại vài công đất sản xuất. Nhưng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi để thay đổi cách làm nông truyền thống.
Anh nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế như đất phù sa màu mỡ, nguồn nước tưới quanh năm, điều kiện giao thông thuận lợi, gần chợ xã và các tuyến đường chính – rất phù hợp cho mô hình kết hợp lúa – rau màu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ rau xanh an toàn tại các chợ dân sinh, trường học, nhà hàng ngày càng cao. Từ đó, anh mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất.
Với diện tích tổng cộng 12 công đất (12.960 m2), anh bố trí linh hoạt 7 công trồng lúa và 5 công trồng rau màu quanh năm. Theo anh Ngươn, trồng rau không chỉ giúp tận dụng thời gian nhàn rỗi giữa các vụ lúa, mà còn mang lại nguồn thu đều đặn hàng tháng. Những tháng cao điểm như Tết hoặc mùa nắng, rau được giá, mỗi công có thể cho lãi từ 6–8 triệu đồng. Nhờ biết bố trí thời vụ hợp lý, canh tác luân phiên và áp dụng kỹ thuật hữu cơ, rau của anh luôn tươi ngon, được thương lái thu mua tận nơi, không qua khâu trung gian.
Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Ngươn luôn chú trọng học hỏi để nâng cao kỹ năng. Anh thường xuyên theo dõi các kênh YouTube nông nghiệp, hội nhóm nông dân trên Facebook, trao đổi kỹ thuật với bạn bè ở các vùng khác. Nhờ vậy, anh tiếp cận được nhiều phương pháp mới như trồng rau trên liếp cao, sử dụng phân vi sinh tự ủ, cách che nắng, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Nhờ áp dụng kỹ thuật hợp lý, rau phát triển tốt, ít sâu bệnh, chất lượng ngày càng được khẳng định.
Anh Ngươn chia sẻ: “Trồng rau tuy vất vả, nhưng bù lại có thu nhập thường xuyên. Quan trọng là mình chịu khó, chịu học. Trồng ít cũng được, miễn là hiệu quả, sạch, người tiêu dùng tin tưởng”.
![]() |
Anh Võ Văn Ngươn thu hoạch mướp đắng (khổ qua). |
Anh Võ Văn Ngươn cho biết: Với cách làm như hiện tại, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất khoảng 60–70 triệu đồng, mô hình của anh thu lãi trên 120 triệu đồng. Đây là con số đáng quý đối với một hộ nông dân, nhất là trong bối cảnh giá vật tư, phân bón ngày càng tăng cao.
Mô hình của anh cũng tạo việc làm cho 2–3 lao động nhàn rỗi tại địa phương, nhất là phụ nữ lớn tuổi không còn đi làm xa được. Họ được trả công theo ngày, có thêm thu nhập ổn định. Không những thế, anh còn chủ động chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong xóm, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách phòng sâu bệnh, kể cả cách liên hệ đầu ra.
Đặc biệt, thời gian qua, một số hộ sau khi học theo mô hình của anh đã bắt đầu trồng rau bán chợ nhỏ, từ đó có thu nhập phụ giúp gia đình, từng bước cải thiện đời sống. Nhờ đó, trong cộng đồng đã hình thành tinh thần thi đua, học hỏi lẫn nhau, cùng phát triển kinh tế.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Võ Văn Ngươn còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nông dân và phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Mô hình của anh được đánh giá là phù hợp với định hướng sản xuất sạch, gắn với tiêu chí môi trường, thu nhập và việc làm trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Anh Võ Văn Ngươn thực sự là tấm gương sáng của người nông dân thời đại mới – cần cù, đổi mới tư duy, biết vươn lên bằng chính sức lao động và trí tuệ của mình. Mô hình của anh không chỉ góp phần ổn định kinh tế gia đình, mà còn lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường trong cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của quê hương Khánh Lâm.