![]() |
|
Nhằm chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra những vị trí địa điểm xung yếu, nơi có nguy cơ sạt lở, lũ cuốn.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 21/7/2025, bão số 3 đã vượt qua khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Vào hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 190km, cách Hải Phòng 310km về phía Đông; cách Hưng Yên khoảng 340km, cách Ninh Bình khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 88km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10 - 15km/h.
Từ ngày 21 - 23/7/2025, ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200 - 350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Trước tình hình phức tạp của mưa bão gây ra, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Công văn số 78 – CV/TU về việc triển khai ứng phó cơn bão số 3. Tiếp đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã có công điện số 2/ CĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung chủ động ứng phó kịp thời.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu: Các địa phương tổ chức ứng trực thường xuyên, phối hợp hiệp đồng các lực lượng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và các điều kiện bảo đảm thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường kiểm tra, rà soát an toàn hệ thống công trình đê điều, đặc biệt là các vị trí xung yếu; chủ động trước các tình huống. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần đề xuất, kiến nghị kịp thời.
Tập trung huy động lực lượng ứng cứu trong mọi tình huống cần thường xuyên bám sát, theo dõi chặt chẽ khu vực hay bị úng ngập, các khu vực đã từng bị tràn đê trong các mùa mưa bão trước, các khu vực vừa xử lý mạch đùn, mạch sủi; khi phát hiện vấn đề bất thường cần kịp thời báo cáo về cơ quan thường trực của tỉnh là Sở Nông nghiệp và Môi trường. Rà soát các bến đò ngang qua sông trên địa bàn; căn cứ tình hình thực tiễn có quyết định tạm dừng hoạt động khi cần thiết.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động tuyên truyền, lên phương án hỗ trợ người dân vùng đất bãi, khu vực ven sông và các trường hợp người già neo đơn, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn chủ động sơ tán đề phòng nước dâng bất ngờ.