![]() |
Gần 9.000 m2 rẫy trồng mía nguyên liệu của gia đình ông Lô Văn Hội, Tổ dân phố Phia Khoang, xã Phục Hoà (Cao Bằng) mỗi năm cho thu lợi gần 60 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí sản xuất. Ảnh Quốc Sơn. |
Tạo sinh kế bền vững từ trồng mía
Dọc hai bên đường từ UBND xã Phục Hoà xuống Cửa khẩu Tà Lùng gần 10 km, rồi rẽ vào đường dọc biên giới vừa được đầu tư xây dựng hoàn thành còn sáng màu bê tông, chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn của mía và sắn. Mía được trồng trên nương, dưới ruộng, tràn vào tận chân núi đá, mọc um tùm sát cả ven đường.
Dưới cái nắng gay gắt, ông Lô Văn Hội, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Phia Khoang, xã Phục Hoà vẫn miệt mài chăm sóc rẫy mía gần 9.000 m2 của mình. Thấy chúng tôi ngỏ ý tìm hiểu về cây mía, ông Hội dừng tay, vui vẻ cho biết, mía là cây trồng truyền thống từ hàng chục năm nay của nông dân xã Phục Hoà. Từ khi Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, nông dân trồng mía được Công ty ứng trước phân bón, mía giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ. Nông dân trồng mía được hưởng lợi từ chính sách thu mua mía với giá tương đối ổn định thì cây mía nguyên liệu càng khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, trở thành cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế ổn định, cho nông dân cơ hội thoát nghèo và làm giàu bền vững.
“Tổ dân phố Phia Khoang có 99 hộ, trong đó trên 40 hộ trồng mía nguyên liệu, với các giống mía: ROC 22, ROC 114, Quế đường 42, Quế đường 44, Quế đường 46, là các giống mía mới cho năng suất, hàm lượng đường cao, với khả năng đẻ nhánh, tái sinh, chịu hạn khá, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện nguồn nước tưới của địa phương. Vụ thu hoạch mía kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, năng suất bình quân hàng năm đạt từ 69 – 70 tấn/ha. Gia đình tôi duy trì trồng gần 9.000 m2 mía nguyên liệu. Niên vụ 2024 - 2025, gia đình thu hoạch được gần 60 tấn mía. Do tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân hợp lý, thu hoạch đúng niên vụ, nên toàn bộ mía đều đạt chất lượng loại I, bán cho Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng giá 1.390 đồng/kg, thu gần 83 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất lợi nhuận được gần 60 triệu đồng”. Ông Hội cho hay.
Là hộ gia đình có nhiều năm trồng mía ở xã Phục Hoà, ông Lý Văn Hiếu, Tổ trưởng Tổ dân phố Bó Pu, cho biết “Tổ dân phó Bó Pu có 45/62 hộ trồng gần 28 ha mía. Cây mía đã khẳng định giá trị trong phát triển kinh tế, được nông dân tích cực đầu tư mở rộng diện tích. Cây mía góp phần quan trọng giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xoá nghèo và làm giàu bền vững. Từ trồng mía nguyên liệu bán cho Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng, nhiều hộ trong Tổ dân phố Bó Pu thu nhập vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với nông dân vùng cao còn nhiều khó khăn.
“Gia đình tôi trồng 2 ha mía nguyên liệu các giống: Quế đường 42, Quế đường 44, Quế đường 46, cho năng suất bình quân hàng năm 70 tấn/ha. Niên vụ 2024 – 2025, gia đình thu hoạch 140 tấn mía, bán cho Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng được hơn 195 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất thu lợi trên 130 triệu đồng. Theo tôi tìm hiểu, các giống mía này năng suất có thể đạt trên 120 tấn/ha nếu được trồng trên chân đất đủ ẩm và được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật. Với năng suất 70 tấn/ha như hiện nay thì trồng mía cũng đã cho giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng truyền thống khác trên cùng diện tích canh tác. Thu nhập từ trồng mía giúp cuộc sống gia đình tôi được cải thiện đáng kể”. Ông Lý Văn Hiếu cho biết thêm.
![]() |
Gia đình ông Lý Văn Hiếu, Tổ dân phố Bó Pu, xã Phục Hoà duy trì trồng 2 ha mía nguyên liệu, hàng năm cho thu hoạch 140 tấn mía, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình thu lợi hơn 130 triệu đồng. Ảnh Quốc Sơn. |
Để cây mía phát triển bền vững
Chủ tịch UBND xã Phục Hoà Đàm Đình Đạo cho biết, xã Phục Hoà hiện trồng gần 1.388 ha mía nguyên liệu, năng suất bình quân 69 – 70 tấn/ha, sản lượng ước đạt 95.758 tấn một năm, cho giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt hơn 129 tỷ đồng. Cây mía đã và đang khẳng định vị thế, trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng tạo nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của xã Phục Hoà, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế, giúp nông dân xoá nghèo và làm giàu bền vững.
Phát triển trồng mía nguyên liệu đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế là vậy, song thực tế quá trình sản xuất, doanh nghiệp đầu tư tham gia liên kết và nông dân vùng trồng vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức đang là rào cản sự phát triển vùng mía nguyên liệu cần được tháo gỡ. Đó là tình trạng liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đầu tư còn lỏng lẻo. Nhiều hợp đồng đã được ký kết, nhưng không ít nông dân tự ý thu hoạch sớm để bán mía ra ngoài cho tư thương thu mua với giá cao hơn. Ngược lại doanh nghiệp tham gia liên kết đôi khi thu mua còn chậm, chưa đảm bảo thời gian như cam kết, khiến nông dân dễ rơi vào thế bị động trong khâu thu hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng mía, giá trị kinh tế, dẫn đến thiệt hại cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp đầu tư…
Để vùng nguyên liệu mía phát triển bền vững, phát huy giá trị trong phát triển kinh tế nông nghiệp, như Chủ tịch UBND xã Phục Hoà Đàm Đình Đạo cho biết, xã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháo tháo gỡ những tào cản ảnh hưởng đến phát triển vùng trồng mía nguyên liệu. Xã tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền nông dân mạnh dạn từ bỏ thói quen canh tác truyền thống kém hiệu quả, chuyển đổi tư duy sang sản xuất hàng hoá. Chú trọng phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên tập huấn, vận động nông dân vùng trồng mía áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng. Cùng với đó, xã phối hợp với doanh nghiệp đầu tư có kế hoạch tổ chức cho nông dân tham quan, học tập tại các địa phương trồng mía nguyên liệu ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả và tiến hành xây dựng, tổng kết, nhân rộng mô hình trình diễn trồng mía đạt năng suất, chất lượng cao, từ đó nhân rộng mô hình, phấn đấu mục tiêu hướng đến hàng năn năng suất mía tăng từ 8 – 10%/ha.
“Xã tiếp tục thực hiện đầy đủ, minh bạch cơ chế chính sách đầu tư phát triển cây trồng có giá trị, kể cả chính sách tín dụng nhằm đảm bảo quyền lợi hài hoà cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, chính quyền xã tăng cường phối hợp với doanh nghiệp đầu tư đồng hành cùng nông dân xây dựng, phát triển hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất. Coi sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền xã với doanh nghiệp đầu tư và nông dân trồng mía là yếu tố then chốt, là hướng đi quan trọng để vùng trồng nguyên liệu mía phát triển bền vững”. Chủ tịch UBND xã Phục Hoà Đàm Đình Đạo khẳng định.