![]() |
Các đại biểu, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, trường đại học tham dự sự kiện phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2025 tại TP. Đà Nẵng. |
Khởi đầu tại TP.HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước, cuộc thi nhanh chóng được phát động tại các vùng chiến lược: Cao Bằng, Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng và khép lại tại TP. Đà Nẵng. Mỗi địa phương không chỉ đóng vai trò điểm đến mà còn là điểm khởi phát của các sáng kiến địa phương gắn với chuyển đổi số và công nghệ cao trong nông nghiệp.
Tại Cao Bằng, cuộc thi mở ra cánh cửa tiếp cận công nghệ cho vùng trung du miền núi phía Bắc – nơi nông nghiệp bản địa đang từng bước hiện đại hóa. Hà Nội, với vai trò trung tâm nghiên cứu và đào tạo, thu hút sự vào cuộc của các viện, trường và doanh nghiệp công nghệ.
Trong khi đó, Cần Thơ – trái tim Đồng bằng sông Cửu Long – ghi dấu bằng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu. Lâm Đồng, vùng đất cao nguyên có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tiếp tục thể hiện tiềm năng chuyển đổi số trong canh tác nông sản đặc trưng. Và tại Đà Nẵng, trung tâm đổi mới sáng tạo của miền Trung, cuộc thi khép lại chuỗi phát động bằng tinh thần kết nối liên vùng, lan tỏa giá trị sáng tạo đến cả đô thị biển quốc tế năng động.
Đặc biệt, sự lan tỏa của cuộc thi không chỉ dừng lại ở các địa phương mà còn thâm nhập vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc – nơi nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Từ các nhóm sinh viên đến các nhà nghiên cứu, từ doanh nghiệp khởi nghiệp đến nông dân công nghệ – tất cả cùng hội tụ vì mục tiêu chung: kiến tạo một nền nông nghiệp thông minh, xanh và phát triển bền vững.
Với trọng tâm ứng dụng công nghệ số và công nghệ cao, BTC cuộc thi hướng đến các dự án đổi mới trong sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc, bảo quản sau thu hoạch, và quản lý chuỗi cung ứng. Các công nghệ như IoT, AI, blockchain, dữ liệu lớn, robot và tự động hóa được ưu tiên đưa vào thực tiễn nhằm giải quyết những thách thức về năng suất, chất lượng và thị trường của nông nghiệp Việt Nam.
Trong đó, các lĩnh vực cụ thể được định hướng gồm: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nấm ăn và nấm dược liệu, cây dược liệu, hoa lan, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào thực vật, công nghệ sau thu hoạch, và các chế phẩm sinh học…
BTC cuộc thi ưu tiên các dự án đã có sản phẩm cụ thể, khuyến khích áp dụng công nghệ mới hoặc được cải tiến để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, các ý tưởng mang tính thực tiễn, có khả năng thương mại hóa cao và tạo ra tác động xã hội tích cực sẽ được đánh giá cao.
Cuộc thi được tổ chức 3 vòng: Sơ tuyển – Bán kết – Chung kết. Các dự án vượt qua vòng đầu sẽ được tham gia khóa huấn luyện chuyên sâu với các nội dung thiết thực như xây dựng kế hoạch kinh doanh, kỹ năng kêu gọi vốn, sở hữu trí tuệ, và thuyết trình trước nhà đầu tư.
Sau cuộc thi, những dự án tiềm năng sẽ tiếp tục được lựa chọn vào các chương trình ươm tạo, tăng tốc và hỗ trợ phát triển sản phẩm, với mục tiêu đưa ý tưởng đến gần hơn với thị trường.
Cuộc thi được chia thành hai bảng phù hợp với từng nhóm đối tượng tham gia. Cụ thể, Bảng A dành cho sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên toàn quốc; trong khi đó, Bảng B hướng đến các cá nhân, nhóm khởi nghiệp và doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phân chia này nhằm đảm bảo tính công bằng trong đánh giá, đồng thời tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của từng nhóm đối tượng.
Tổng giá trị giải thưởng lên tới hàng tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, gói ươm tạo, đào tạo và huấn luyện chuyên sâu, cùng các giải thưởng phụ như: dự án được yêu thích nhất, thuyết trình ấn tượng nhất và có tính ứng dụng cao.
Đặc biệt, các dự án xuất sắc còn được xét chọn để tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM, với mức tài trợ lên tới 400 triệu đồng/dự án ở giai đoạn tăng tốc.
Phát biểu tại lễ phát động tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Hiền – đại diện Ban Tổ chức nhấn mạnh: “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là hướng đi chiến lược giúp ngành nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, đô thị hóa và hội nhập toàn cầu”.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Hiền, đại diện Ban tổ chức phát biểu khai mạc. |
Ông cũng khẳng định, cuộc thi là một phần trong kế hoạch dài hạn giai đoạn 2025 – 2030, nhằm kiến tạo một thế hệ doanh nhân mới – năng động, sáng tạo và làm chủ công nghệ.
![]() |
Ông Phạm Ngọc Sinh – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng. |
Để động viên, khích lệ cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực miền Trung, Ông Phạm Ngọc Sinh – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng chia sẻ: Các bạn hãy thi thật nhiều vào, không thi cuộc thi này thì thi cuộc thi kia, thi không phải để dành giải nhất hay giải nhì mà là cách để chúng ta gặp các nhà cố vấn, và chính họ là người hướng dẫn mình làm ăn. Khởi nghiệp là làm ăn, là làm thành sản phẩm kinh doanh chứ không phải khởi nghiệp là cuộc chơi. Khi mình thi càng nhiều thì năng lực thuyết trình dự án của mình càng mạnh hơn, khả năng kêu gọi được nhà đầu tư cao hơn.
![]() |
Đại biểu thực hiện nghi thức lễ phát động cuộc thi. |
![]() |
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Minh Đông. |
“Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc thi năm nay sẽ không chỉ tìm ra những dự án nổi bật, mà còn tiếp tục truyền cảm hứng để tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng”, Ban Tổ chức cuộc thi khẳng định./.