![]() |
Ảnh minh họa |
Căn cứ Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 18/11/2024 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2025; Quyết định số 3005/QĐ-UBND ngày 29/11/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 202 -2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 437/QĐ-SNN ngày 04/05/2022 về việc ban hành kế hoạch Chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đối với nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ.
Đến nay có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, tuy nhiên chỉ ứng dụng một phần và chỉ tập trung vào các khâu như quản trị nội bộ, marketing, bán hàng và thanh toán.
Số doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất còn chưa nhiều do vẫn còn hạn chế về nhận thức, công nghệ, kinh phí (máy gieo xạ, gặt đập liên hợp, máy bay phun thuốc, phân, …); một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất có thể kể đến như: Công ty Cổ Phần Ban Mê Green Farm đã liên kết với người dân thực hiện mô hình Cà chua trái cây Nova ứng dụng nhật ký điện tử và các thiết bị thông minh. Hợp tác xã Ea Tân áp dụng phương pháp quản lý vườn cây bằng công nghệ số, sử dụng nhật ký nông hộ điện tử và đã xây dựng bản đồ số nông nghiệp trên diện tích của HTX.
Ngoài ra, Sở đã phối hợp tuyên truyền, cung cấp thông tin về các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu để đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart.vn và Voso.vn hoặc tuyên truyền các cơ sở sản xuất tự đưa thông tin sản phẩm lên các phương tiện mạng xã hội như WebSite, FaceBook, Zalo cá nhân của từng đơn vị.
Nhìn chung, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã tích cực trong việc hỗ trợ phát triển chuyển đổi số trong công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường và đã đạt kết quả tương đối khả quan, tuy nhiên nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực vẫn chưa triển khai được do cơ sở hạ tầng còn hạn chế và chưa đồng bộ, kinh phí hỗ trợ của nhà nước hầu như không có, chủ yếu là dựa vào nguồn lực của người dân và doanh nghiệp./.