![]() |
Hình ảnh trái cà phê chín vào mùa thu hoạch ở Đắk Lắk |
Với hơn 650.000 ha đất nông nghiệp (lớn nhất cả nước), Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng. Những rẫy cà phê bạt ngàn, vườn sầu riêng nặng trĩu quả, những nương hồ tiêu xanh mướt… đã và đang mang lại nguồn thu nhập chủ lực cho hàng trăm nghìn hộ dân.
Năm 2023, khu vực nông, lâm, thủy sản đóng góp gần 37% tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh, tương đương hơn 22.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 1,65 tỷ USD, trong đó cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng chiếm trên 90%. Không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, nông nghiệp còn tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho gần 70% dân số toàn tỉnh.
Cà phê – “viên ngọc đen” của vùng đất đỏ hiện có trên 214.000 ha trồng, đạt sản lượng hơn nửa triệu tấn mỗi năm. Đặc biệt, hơn 30.000 ha cà phê đã được chứng nhận sản xuất bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, RFA và FLO, khẳng định chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Cùng với cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, mắc ca, ca cao, bơ, mít… cũng đang được chú trọng đầu tư cả về chất lượng giống lẫn phương thức canh tác. Nhiều sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khó tính như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trước đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, tỉnh Đắk Lắk xác định rõ ràng chất lượng và an toàn thực phẩm không chỉ là yếu tố đảm bảo sức khỏe cộng đồng mà còn là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường và nâng tầm thương hiệu địa phương. Vì vậy, công tác quản lý ATTP đã được triển khai đồng bộ, có chiều sâu và mang tính chiến lược.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các chi cục chuyên ngành như: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Thủy sản, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản... Các đơn vị này không chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra, cấp chứng nhận, mà còn đồng hành với người dân trong việc chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
![]() |
Hình ảnh vườn tiêu tại Đắk Lắk |
Từ năm 2022-2024, đã có hơn 600 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; hàng trăm lớp tập huấn được tổ chức, với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt người dân. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cũng được xây dựng bài bản: 109 vùng trồng với hơn 4.000 ha đã được cấp mã số xuất khẩu; 32 cơ sở đóng gói đạt chuẩn, chủ yếu phục vụ sầu riêng, chuối, xoài và các loại trái cây khác. Điều này không chỉ thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, mà còn cho thấy quyết tâm chính trị trong việc đưa nông nghiệp Đắk Lắk tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của tỉnh trong thời gian qua chính là việc xây dựng và phát triển các mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ. Toàn tỉnh hiện có gần 600 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 104 HTX ứng dụng công nghệ cao; 123 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đã được hình thành với sự tham gia của hơn 15.000 hộ dân.
Liên kết không chỉ giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập, mà còn góp phần tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng được các tiêu chí của thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp như C.P Việt Nam đã triển khai chuỗi chăn nuôi khép kín, từ sản xuất con giống, thức ăn đến giết mổ, phân phối, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
Không chỉ vậy, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn cũng đang được khuyến khích mở rộng. Từ việc sản xuất cà phê hữu cơ đến nuôi trồng thủy sản VietGAP, Đắk Lắk đang chuyển mình mạnh mẽ sang một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Công tác giám sát, kiểm nghiệm và xử lý vi phạm ATTP được tỉnh thực hiện nghiêm túc, với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành. Trong ba năm từ 2022–2024, đã có hơn 400 mẫu sản phẩm được kiểm nghiệm; hàng chục trường hợp vi phạm bị xử phạt với số tiền gần 600 triệu đồng.
Công tác kiểm tra giám sát được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực: từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, chất cấm trong chăn nuôi, đến môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ mẫu đạt tiêu chuẩn luôn duy trì ở mức cao trên 90%, cho thấy hiệu quả rõ nét của các biện pháp kiểm soát và sự chuyển biến tích cực từ phía người sản xuất.
Tuy nhiên, tỉnh cũng không né tránh những hạn chế còn tồn tại: Sản xuất manh mún, thiếu đồng bộ; tỷ lệ cơ sở sản xuất có chứng nhận còn thấp; phòng kiểm nghiệm địa phương còn hạn chế năng lực phân tích chuyên sâu... Những yếu tố này đang cản trở tốc độ nâng tầm chất lượng nông sản của tỉnh.
Để khắc phục những tồn tại và phát huy kết quả đạt được, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk đã đề ra loạt giải pháp cụ thể: Tăng tỷ lệ sản xuất nông nghiệp có chứng nhận, có mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc; Đầu tư cơ sở kiểm nghiệm ATTP cấp vùng tại Đắk Lắk; Huy động nguồn lực xã hội hóa để mở rộng chuỗi liên kết và mô hình sản xuất an toàn; Tăng cường tập huấn, truyền thông, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; Kiến nghị Trung ương ban hành quy chuẩn chất lượng đối với các sản phẩm đặc thù chưa có quy định; Cải tiến công tác thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, nâng cao hiệu lực quản lý.
Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng, ATTP khu vực Tây Nguyên đặt tại Đắk Lắk như một động lực để nâng tầm công tác kiểm nghiệm vùng và rút ngắn thời gian phân tích mẫu, phục vụ kịp thời xử lý vi phạm.
Với nền tảng vững chắc về tài nguyên thiên nhiên, cùng quyết tâm chính trị và sự vào cuộc của cả hệ thống, Đắk Lắk đang từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại nơi mà chất lượng, an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng là thước đo phát triển. Không chỉ là câu chuyện của tăng trưởng, hành trình nâng cao chất lượng nông sản tại Đắk Lắk còn là hành trình nuôi dưỡng niềm tin của người tiêu dùng trong nước, của thị trường quốc tế và trên hết là niềm tin của chính những người nông dân vào một tương lai nông nghiệp bền vững, thịnh vượng và vươn xa./.