![]() |
500 cây nho hạ đen năm đầu cho thu hoạch của gia đình ông Hà Văn Luân, xóm Vũ Ngược, xã Nguyên Bình (Cao Bằng) ước cho thu hơn 800 kg, giá bán 120 nghìn đồng/kg, sẽ cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ảnh Quốc Sơn. |
Từ người đầu tiên đưa cây thanh long về xã
Ông Luân kể, năm 1999, ông là người đầu tiên trong xã đem cây thanh long về trồng. Mới đầu ông chỉ trồng vài chục trụ, khi đó nhiều người dân trong xã thấy vợ chồng ông hàng ngày, từ sáng đến nhọ mặt người vẫn miệt mài làm đất, lên luống, trồng cây, trôn trụ, chăm sóc, bón phân, rẫy cỏ…, thì họ xì xào bàn tán “Vợ chồng nhà ông Luân, bà Mịch kể cũng lạ thật, làm nông mà cây ngô, cây lúa không trồng lại đem cây gì giống như cây xương rồng về trồng, còn phải trôn cả trụ bê tông cho cây, không biết có thành cơm cháo gì không”.
Thế rồi những ngày tháng vợ chồng ông cần mẫn chăm sóc vườn thanh long của mình, đến vụ đầu cây cho thu hoạch quả và tiêu thụ tốt, đã đem lại giá trị kinh tế cao gấp 4 – 5 lần so với trồng cây ngô trên cùng diện tích. Thành công bước đầu đã tiếp thêm niềm tin cho vợ chồng ông Luân tiếp tục đầu tư mở rộng phát triển vườn thanh long lên hơn 800 trụ cả giống thanh long ruột trắng và giống thanh long ruột đỏ trên diện tích 4.000 m2 đất canh tác.
“Thời gian đó, cả xã chỉ có gia đình tôi trồng thanh long. Được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên vườn cây thanh long cho năng suất, chất lượng quả đảm bảo tiêu chuẩn. Quả căng bóng, ruột dày chắc, mọng nước, hương thơm nhẹ, ngọt đậm. Vì thế, thanh long bán được giá, mà thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Thu nhập từ thanh long, kinh tế của gia đình được cải thiện đáng kể”. Ông Luân bồi hồi nhớ lại.
Thấy hiệu quả kinh tế từ trồng thanh long, nhiều người trong xã và các xã lân cận đã đến học tập mô hình của vợ chồng ông Luân. Và phong trào chuyển đổi cây trồng truyền thống trên nhiều diện tích ruộng, nương rẫy độ dốc thấp canh tác kém hiệu quả được nhiều nông dân trong xã và một số xã trong huyện khi đó chuyển sang trồng thanh long. Từ mô hình trồng thanh long đầu tiên của ông Luân đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thanh long trở thành cây trồng lợi thế góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Đến nay, xã Nguyên Bình (sáp nhập từ 2 xã Vũ Minh, Thể Dục và thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình cũ) trồng gần 40 ha cây thanh Long, là một trong những xã có diện tích trồng thanh long nhiều nhất tỉnh Cao Bằng. Cây thanh long đã đem lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế ổn định và giúp nông dân xã Nguyên Bình có cơ hội giảm nghèo và làm giàu bền vững.
Đến người tiên phong trồng cây nho hạ đen
“Diện tích trồng cây thanh long trong xã được mở rộng, song vẫn dừng ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, mang tính tự sản, tự tiêu, mà thị trường tiêu thụ chỉ quanh quẩn trong tỉnh, thiếu tính liên kết, giá cả bấp bênh, không ổn định. Đến năm 2021, cùng với dịch covid bùng phát, vườn cây thanh long của gia đình tôi bị bệnh đốm đen, rỉ sắt, rỉ sét trên diện rộng, vợ chồng tôi phun thuốc liên tục, tìm đủ mọi phương pháp cứu chữa nhưng không hiệu quả, thêm vào đó thời điểm này quả thanh long lại rớt giá nên vợ chồng tôi quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn thanh long của mình”. Ông Luân cho hay.
Bà Mịch, vợ ông Luân, người đậm, có nét mặt phúc hậu, ngồi cạnh tiếp lời, trong lúc vợ chồng tôi đang loay hoay chưa biết trồng cây gì thay thế cây thanh long thì ông nhà tôi đọc được bài báo viết về hiệu quả kinh tế từ trồng cây nho hạ đen theo mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, tiêu chuẩn VietGAP trên mạng. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng đặc tính cây nho hạ đen và kỹ thuật trồng qua nhiều kênh thông tin, ông nhà tôi còn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình trồng nho hạ đen hiệu quả, nhận thấy loại cây này khá phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và dễ chăm sóc có thể trồng thay thế cây thanh long và có triển vọng phát triển. Năm 2021, vợ chồng tôi quyết định đầu tư vào trồng cây nho hạ đen theo mô hình nông nghiệp sạch, an toàn, tiêu chuẩn VietGAP. “Một lần nữa ông nhà tôi lại là người tiên phong đưa cây nho hạ đen về trồng tại địa phương”. Bà Mịch mộc mạc nói với tôi,
![]() |
Do áp dụng kỹ thuật canh tác, vườn nho của ông Hà Văn Luân, xóm Vũ Ngược, xã Nguyên Bình (Cao Bằng) cho năng suất, chất lượng quả cao. Ảnh Quốc Sơn. |
Để bắt tay vào làm, vợ chồng ông Luân vạch kế hoạch thực hiện và tổ chức lại sản xuất của gia đình theo mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt tuần hoàn khép kín. Vợ chồng ông đầu tư gần 300 triệu đồng để cải tạo lại đất trồng thanh long trước đây, mua vật liệu dựng nhà khung, giàn leo, li lông làm mái che trên diện tích hơn 3.400 m2 và mua cây giống, phân bón, trồng 720 cây nho hạ đen. Cùng với trồng nho, vợ chồng ông Luân đầu tư nấu rượu ngô mỗi năm nấu 2.000 lít, để lấy bã rượu chăn nuôi 3 lợn nái, với gần chục con lợn thịt, xây hầm bioga phục vụ đun nấu trong gia đình. Từ bán rượu, lợn giống và lợn thịt thương phẩm, gia đình ông Luân mỗi năm thu trên 250 triệu đồng. Còn phân lợn được đem ủ hoai và nước phân từ hầm bioga được sử dụng bón cây nho. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt tuần hoàn khép kín đã tiết giảm chi phí sản xuất và mang lại nguồn lợi đáng kể cho gia đình ông Luân.
Dẫn tôi thăm vườn nho trĩu trịt quả, ông Luân cho biết, tôi trồng 720 cây nho hạ đen, năm nay là năm đầu có 500 cây cho thu hoạch. Do áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và tuân thủ đúng quy trình chăm sóc như: tỉa cành, tạo tán, bấm ngọn, nuôi nhánh, bón phân đúng từng thời kỳ sinh trưởng của cây và thường xuyên vệ sinh vườn, phòng trừ sâu bệnh. Vườn nho tuyệt đối không dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, nên cây cho năng suất và chất lượng quả đảm bảo. Quả tròn đều, thịt quả dày, khi ăn có vị ngọt đậm và thơm dịu.
“Với 500 cây nho cho thu hoạch, năm nay gia đình tôi ước thu hơn 800 kg quả, giá bán 120 nghìn đồng/kg tại vườn, sẽ cho gia đình nguồn thu gần 100 triệu đồng. Gia đình tôi luôn mở cửa vườn nho để đón khách đến trải nghiệm. Khách đến tham quan, chụp ảnh, gia đình không thu phí và được trực tiếp thu hái, mua nho với giá tại vườn”. Ông Luân cho biết thêm.
Bà Mịch, vợ ông Luân chia sẻ, tới đây gia đình sẽ đăng ký với chính quyền xã tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm quả nho hạ đen và làm thủ tục xin ngành chức năng chứng nhận sản phẩm nho hạ đen đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tôi rất mong chính quyền xã và các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng quan tâm hỗ trợ những hộ nông dân trồng cây ăn quả như gia đình tôi tạo dựng liên kết với các doanh nghiệp, giúp tìm kiếm thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để sản phẩm có đầu ra ổn định.
Mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây nho hạ đen theo mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, tiêu chuẩn VietGAP của vợ chồng ông Hà Văn Luân bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Mô hình đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Để mô hình tiếp tục phát triển đúng hướng, góp phần vào phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục quan tâm đồng hành hỗ trợ người trồng về kỹ thuật, kết nối cung - cầu, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo động lực cho nông dân yên tâm phát triển mở rộng sản xuất.