![]() |
Bà Lý Thị Thoan, xóm 6 Bế Triều, xã Hòa An ( Cao Bằng) mỗi năm nuôi 2 – 3 lứa ếch, mỗi lứa 3.000 con trong bể lót bạt. |
Tận dụng diện tích đất quanh nhà và nguồn vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm, năm 2022, bà Thoan thử nghiệm nuôi ếch với 1.000 con giống nhập từ tỉnh Thanh Hóa. Ban đầu, bà làm một bể lót bạt rộng khoảng 30 m2. Bằng sự học hỏi không ngừng từ các mô hình nuôi ếch tiên tiến, mỗi năm bà nuôi 2–3 lứa, cao điểm lên tới 3.000 con/lứa trong 2 bể lót bạt.
Nuôi ếch có thời gian thu hoạch ngắn, sau 3 tháng có thể xuất bán, mỗi năm bà bán khoảng 9.000 con, mang lại thu nhập trung bình 50 triệu đồng. Ếch được tiêu thụ ổn định thông qua mạng xã hội và thương lái trong tỉnh. Thịt ếch của bà Thoan có chất lượng cao nhờ nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, không dùng chất kích thích tăng trưởng.
Ở tuổi ngoài 60, bà Thoan vẫn miệt mài mỗi sáng thay nước, vệ sinh bể nuôi. Bà nắm chắc đặc tính sinh học của loài vật này, ếch ưa nước sạch, không chịu được ánh nắng trực tiếp, cần ánh sáng tán xạ và nhiệt độ ổn định 28 - 30°C. Bà Thoan chia sẻ “Mình đã có tuổi nhưng vẫn phải thường xuyên học kỹ thuật nuôi, học từ cán bộ thú y, từ lớp tập huấn, học cả trên mạng điện tử”.
![]() |
Mỗi năm bà Thoan xuất bán 9.000 con ếch thành phẩm, cho thu nhập trung bình 50 triệu đồng. |
Vào mùa hè, bà tăng cường nước chảy tuần hoàn trong bể, che nắng bằng lưới râm và cho ếch ăn vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Khi ếch giảm ăn, bà bổ sung men tiêu hóa, vitamin và khoáng chất. Nguồn nước nuôi được kiểm soát nghiêm ngặt. Mỗi ngày thay nước buổi sáng trước khi cho ăn, bể nuôi được vệ sinh, sát trùng bằng thuốc tím, đảm bảo độ sâu từ 20 – 30 cm, có lưới che chắn chống rắn, chim và các tác động khác từ môi trường.
Theo bà Thoan, nuôi ếch đòi hỏi phải tuân thủ quy trình đảm bảo kỹ thuật từ khâu chọn giống, cách phát hiện bệnh thường gặp như trướng hơi, trướng nước, đến phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Ếch được bà Thoan nuôi theo hướng sạch, an toàn, sử dụng thức ăn tự phối trộn từ cá khô, bột ngô, đậu tương, bổ sung thêm vitamin. “Khi con ếch bị bệnh, phải cách ly ra bể riêng. Dùng nước muối loãng hoặc thảo dược để điều trị, hạn chế tối đa thuốc tây”. Bà Thoan chia sẻ.
Để tăng nguồn thu nhập, bà Thoan còn nuôi 4 con bò sinh sản, thức ăn được tận dụng cỏ trồng quanh nhà và nuôi gà đen, gà ta, chim bồ câu, mỗi loại hơn 100 con. Chất thải tè mô hình chăn nuôi được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Nguồn thu từ mô hình chăn nuôi, cho gia đình bà Thoan mỗi năm 150 triệu đồng.
![]() |
Bà Thoan còn phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, cho thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng. |
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Thoan còn là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại xóm 6, Bế Triều, xã Hòa An. Tổ Tiết kiệm và vay vốn do bà phụ trách hiện tổng dư nợ 5,6 tỷ đồng, với 56 hộ vay vốn đầu tư mô hình trồng rừng, chăn nuôi lợn, trâu, bò, cây ăn quả. 100% hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả, trả lãi đúng hạn. Hàng tháng, tổ viên gửi tiết kiệm trên 20 triệu đồng, tạo quỹ dự phòng, nâng cao ý thức tiết kiệm.
“Với mong muốn nhân rộng mô hình nuôi ếch ra toàn xã, bà Thoan kiến nghị, các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ếch cho người dân địa phương. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu “Ếch sạch vùng cao Cao Bằng”, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”. Bà Thoan cho biết.