![]() |
Các mô hình HTX sản xuất mới tạo động lực xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai. |
Nằm ở vùng núi đầy khó khăn ở tỉnh Lào Cai, xã Liêm Phú trước khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính có hơn 98% dân số là người dân tộc thiểu số. Trước đây, đời sống người dân chủ yếu dựa vào canh tác tự cung tự cấp, thu nhập thấp, hạ tầng yếu kém.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện mạo nông nghiệp nông thôn Liêm Phú đã đổi thay rõ rệt nhờ vào sự chuyển hướng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với HTX. Một trong những điển hình là HTX Nông Lâm nghiệp Vạn An, do chị Ngân Thị Trang, một phụ nữ dân tộc thiểu số, thành lập vào năm 2021.
Xuất phát từ tình yêu với dược liệu bản địa và mong muốn nâng cao thu nhập cho bà con, chị Trang cùng cộng sự đã xây dựng HTX trên nền tảng phát triển vùng nguyên liệu thảo mộc đạt chuẩn sinh học và sản xuất trà thảo dược mang thương hiệu riêng. Theo chị Trang chia sẻ, “chúng tôi mong muốn mỗi gói trà không chỉ là sản phẩm, mà còn là kết tinh tri thức của người vùng cao về cây thuốc, là bản sắc văn hóa địa phương”.
HTX Vạn An không đơn thuần là một cơ sở sản xuất mà là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ khâu trồng, thu hái, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ. Nhờ liên kết này, thành viên HTX và nông dân liên kết được cung ứng giống, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Đặc biệt, các loại cây như hoa hồng, hoa cúc, gừng, sả, chè dây, nghệ, ý dĩ… đang được HTX triển khai không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng cao mà còn giúp cải tạo đất, hạn chế xói mòn.
Từ vài thành viên ban đầu, đến nay HTX tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và hàng chục lao động thời vụ, phần lớn là phụ nữ dân tộc, với mức thu nhập từ 6,5–7,5 triệu đồng/tháng, con số đáng kể tại một xã vùng cao.
![]() |
Nhờ những đóng góp của các mô hình HTX, người dân địa phương được tiếp cận với phương thức sản xuất mới, có việc làm ổn định, từng bước chuyển đổi từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa. |
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, HTX Vạn An nhanh chóng thích ứng với thị trường hiện đại khi phát triển kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok Shop, Lazada... và mở rộng sang xuất khẩu. Mỗi tháng, HTX tiêu thụ 10 - 12 tấn trà viên, 150.000 gói trà túi lọc và hàng nghìn sản phẩm khác như tinh dầu, trà giảm cân, trà đẹp da. Doanh thu dao động từ 750–850 triệu đồng/tháng, lợi nhuận ước đạt 1,5 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, khoảng 100.000 gói trà đã được xuất khẩu mỗi năm sang Hoa Kỳ – thị trường khó tính hàng đầu thế giới, khẳng định chất lượng và uy tín sản phẩm thảo mộc vùng cao Lào Cai. Ba sản phẩm của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao, hai sản phẩm khác đang hoàn tất hồ sơ. Bao bì mang họa tiết thổ cẩm thân thiện với môi trường giúp sản phẩm nổi bật và đậm dấu ấn văn hóa dân tộc.
HTX còn đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị bán tự động, áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường cao cấp. “Mục tiêu kép” mà HTX theo đuổi là vừa sản xuất sạch, vừa bảo vệ môi trường hướng phát triển phù hợp với chiến lược nông nghiệp xanh.
Nhờ những đóng góp của các mô hình HTX, người dân địa phương được tiếp cận với phương thức sản xuất mới, có việc làm ổn định, từng bước chuyển đổi từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa.
Tính đến giữa năm 2025, xã Liêm Phú đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%, lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 85%. Các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường sống… đều ghi nhận chuyển biến rõ rệt.
![]() |
Thông qua các chương trình hỗ trợ, HTX được tiếp cận đào tạo nghề, kỹ thuật trồng - chế biến dược liệu, vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển HTX để đầu tư máy móc, nhà xưởng. |
Sự phát triển của các HTX như Vạn An có được nhờ sự đồng hành sát sao của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Lào Cai. Thông qua các chương trình hỗ trợ, HTX được tiếp cận đào tạo nghề, kỹ thuật trồng - chế biến dược liệu, vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển HTX để đầu tư máy móc, nhà xưởng. Đồng thời, được tư vấn xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, hoàn thiện hồ sơ OCOP và tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ vùng cao.
Câu chuyện phát triển ở Liêm Phú là một minh chứng sống động: Xây dựng nông thôn mới không chỉ là làm đường, làm trường, mà là hành trình thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập người dân bằng chính tài nguyên bản địa. Khi người dân tích cực tham gia, chính quyền đồng hành và HTX làm, vùng cao có thể đi nhanh trên con đường phát triển bền vững, vừa thoát nghèo, vừa giữ được hồn cốt văn hóa. Muốn xây dựng nông thôn mới thành công phải có HTX. Muốn HTX phát triển vững vàng cần sự hỗ trợ bài bản và kịp thời. Đây chính là bài học lớn từ Liêm Phú hôm qua, và là động lực để Khánh Yên hôm nay tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ hơn trong tương lai./.