![]() |
Khi tham gia hệ thống chứng nhận PGS, nông dân sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ |
Từ nỗi lo người tiêu dùng đến chứng nhận an toàn
Người tiêu dùng thường băn khoăn liệu sản phẩm họ muốn mua có được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, được chăm sóc như thế nào và có thực sự đảm bảo an toàn hay không. Đó là những câu hỏi mà người tiêu dùng đặt ra cho những sản phẩm đang được bán trên thị trường. Trong bối cảnh các doanh nghiệp và người nông dân đang cố gắng từng ngày để đưa những sản phẩm nông nghiệp sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến tay người tiêu dùng. Nhưng vấn đề đặt ra: Ai là sẽ người chứng nhận cho những sản phẩm đó là “sạch”.
Xuất phát từ những lý do đó với mong muốn hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phát triển. Chứng nhận PGS được ra đời để giải quyết vấn đề cấp bách này với mục tiêu chung là thay thế hệ thống chứng nhận của bên thứ ba (là loại hình đánh giá do tổ chức độc lập bên ngoài tiến hành đánh giá và cấp chứng nhận).
Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp những hộ nông dân hoạt động với mô hình nhỏ có thể tham gia, việc cấp chứng nhận sẽ có mức chi phí thấp và cung cấp sự bảo đảm đáng tin cậy cho người tiêu dùng muốn tìm kiếm sản phẩm hữu cơ. Bởi chứng nhận dựa trên những đánh giá của các doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng khi tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ.
Vì vậy, chứng nhận có vai trò quan trọng trong việc công nhận sản phẩm chất lượng dựa trên các tiêu chí đánh giá và sự tuân thủ của các bên khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Sự khác biệt lớn nhất là cách tiếp cận có sự tham gia trực tiếp của nông dân và người tiêu dùng trong quá trình chứng nhận.
Đem lại giá trị xanh từ chứng nhận PGS
Trên thị trường có rất nhiều chứng nhận đánh giá khác của các tổ chức có thể kể đến như chứng nhận đánh giá của bên thứ ba (sẽ do một đơn vị độc lập, không liên quan đến các hệ thống sản xuất, được đào tạo chuyên môn, kiến thức chuyên nghiệp) để đánh giá sản phẩm. Tuy nhiên chi phí để mời những tổ chức này về đánh giá thường rất đắt đỏ, không phù với những hộ nông dân nhỏ đang bắt đầu thực hiện chuyển đổi sang mô hình hữu cơ.
Với chứng nhận PGS (bên thứ hai đánh giá). Tức là có sự tham gia của cộng đồng, sự tham gia của nhiều bên, người tiêu dùng và họ sẽ là những người trực tiếp đánh giá và đảm bảo rằng sản phẩm được chăm sóc ở đây là thật, đảm bảo hữu cơ. Chính vì có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm: Nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng, cho nên sự giám sát các khâu được thường xuyên hơn, thông tin sản phẩm được cập nhật liên tục. Đặc biệt, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia vào các quy trình và trực tiếp chứng kiến quá trình sản xuất và chăm sóc cây trồng từ đó thì họ sẽ được thuyết phục khi tiêu dùng sản phẩm.
Điểm khác biệt cơ bản, cũng như tính hữu ích của hệ thống chứng nhận hữu cơ PGS là người sản xuất có thể xây dựng hệ thống chứng nhận của mình thông qua việc liên kết sản xuất – cung ứng – tiêu dùng. Yếu tố này đặc biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam, khi diện tích canh tác còn nhỏ lẻ và phải trả rất nhiều chi phí để thuê đánh giá độc lập. Điều này, sẽ giúp nông dân có cơ hội được tham gia chứng nhận đạt chất lượng, phù hợp với thị trường mà không tốn quá nhiều chi phí như những chứng nhận khác.
Điều đặc biệt khiến người nông dân lựa chọn chứng nhận PGS thay vì các chứng nhận khác, còn đến từ cách tiếp cận. Với các hệ thống chứng nhận bên thứ ba, họ là những người được đào tạo chuyên nghiệp, làm việc rất khách quan. Quy trình đánh giá chủ yếu tập trung vào việc sản phẩm có đạt tiêu chuẩn còn việc sản phẩm có được tiêu thụ hay không họ sẽ không quan tâm, bởi đó là việc của người sản xuất.
Khác với các chứng nhận bên thứ ba, PGS không chỉ dừng lại ở việc đánh giá sản phẩm đạt tiêu chuẩn, mà còn hỗ trợ nông dân kết nối thị trường sau khi tham gia đạt chứng nhận. Tuy nhiên, PGS không can thiệp sâu vào hoạt động thương mại hay làm thay vai trò của người sản xuất. Việc thỏa thuận, đàm phán với doanh nghiệp, từ khối lượng đến giá cả là trách nhiệm của nông dân. Họ phải tự khẳng định năng lực, giữ uy tín và chủ động duy trì mối quan hệ với đối tác, PGS chỉ đóng vai trò trung gian bảo vệ quyền lợi các bên để phân tích lợi ích và hỗ trợ trong suốt quá trình sản xuất.
![]() |
Nhiều hội thảo khoa học được triển khai nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân, hướng tới các mục tiêu chung |
Ngoài ra, được áp dụng như là hệ thống chứng nhận có sự tham gia cho cả sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn trong lĩnh vực nông nghiệp. PGS mang lại những lợi ích thiết thực cho nhiều bên liên quan:
Đối với người nông dân: Một trong những lợi ích lớn nhất của người nông dân khi tham gia vào hệ thống PGS, không chỉ được tiếp cận với quy trình cải tạo đất mà còn được đào tạo, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất hữu cơ. Các buổi họp nhóm, kiểm tra chéo, hội thảo và hướng dẫn kỹ thuật giúp người nông dân hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, cải thiện kỹ năng canh tác, xử lý sâu bệnh bằng biện pháp tự nhiên, quản lý dinh dưỡng đất và bảo vệ môi trường. Việc này giúp nâng cao năng lực tự chủ của nông dân, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất và tăng khả năng phát triển bền vững. Đây là điểm mà nhiều chứng nhận khác không thể làm được, vì họ chỉ kiểm tra mà không đồng hành đào tạo.
Việc tham gia chứng nhận PGS, giúp người nông dân trả chi phí rất thấp hơn so với các chứng nhận khác. Do hệ thống dựa trên kiểm tra chéo giữa các nhóm sản xuất, kết hợp các nguyên tắc minh bạch, tin tưởng và giám sát lẫn nhau. Chính điều này đã giúp PGS trở thành hệ thống chứng nhận hữu ích cho các nông hộ và hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ, những đối tượng khó tiếp cận với các chứng nhận tốn kém.
Khi nông dân tham gia hệ thống chứng nhận PGS và được hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp và được tiếp cận với các thị trường mới giúp tiêu thụ bao tiêu sản phẩm với giá cao mà không phải lo lắng về đầu ra. Hơn nữa, người nông dân còn được các doanh nghiệp trợ giá, thu mua lại sản phẩm khi không bán được hàng.
Bên cạnh đó, còn giúp giảm cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng thấp, do đã được chứng nhận và có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm sạch của người nông dân sẽ được ưa chuộng hơn so với các sản phẩm không rõ nguồn gốc khác. Ngoài ra, khi tham gia chứng nhận PGS, người nông dân sẽ phải chuyển đổi sang mô hình hữu cơ, việc này sẽ giúp người dân tránh khỏi việc tiếp xúc nhiều với các chất bảo quản như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực phẩm, điều này góp phần xây dựng hình ảnh chung của người nông dân trong việc bảo vệ môi trường.
Đối với doanh nghiệp: Giúp xây dựng lòng tin với khách hàng, bởi họ tìm được các nguồn hàng tin cậy, đạt chất lượng và có chứng nhận. Vì vậy, đã thu hút được nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm, tạo ra một quy trình sản xuất rõ ràng, có sự tham gia kiểm soát của nhiều bên, trong đó người tiêu dùng và tổ chức trung gian có thể trực tiếp tham gia giám sát, đánh giá quá trình sản xuất của người sản xuất.
Điều này giúp thông tin về sản phẩm được công khai, minh bạch từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ. Hiện nay, nhiều nhóm PGS tại Việt Nam hiện đã áp dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cho phép người tiêu dùng kiểm tra chi tiết về quy trình sản xuất. Nhờ đó, người mua không chỉ cảm thấy an tâm mà còn hình thành sự tin tưởng lâu dài đối với sản phẩm và thương hiệu của nông dân.
Đối với hệ thống phân phối và bán lẻ, PGS hỗ trợ kết nối thị trường với những sản phẩm an toàn và chất lượng cao giúp nâng cao giá trị sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thị trường hơn so với sản phẩm chưa qua kiểm soát. Nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch như Tâm Đạt, Sói Biển, Bác Tôm,... đã công nhận và tiêu thụ nông sản PGS. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm với khối lượng ổn định, mà còn bán được với giá cao hơn, nhờ uy tín từ chứng nhận. Điều này trực tiếp cải thiện nâng cao thu nhập cho, đồng thời giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn về thực phẩm an toàn, không hóa chất, có nguồn gốc rõ ràng.
Đối với người tiêu dùng: PGS không chỉ cung cấp chứng nhận mà hình thành một mô hình cộng đồng. Việc người tiêu dùng cùng tham gia vào quá trình kiểm tra, đánh giá sản phẩm đã tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ giữa nông dân, người sản xuất với người tiêu dùng. Điều này cam kết sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm trong quá trình chăm sóc. Đồng thời, các bên tham gia cùng nhau xây dựng niềm tin, và minh bạch trong chuỗi giá trị, điều rất cần thiết trong bối cảnh thị trường đang có nhiều sản phẩm “gắn mác hữu cơ” không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, khi được sử dụng những sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, còn góp phần bảo vệ và phát triển nông nghiệp bền vững đảm bảo tin cậy về chất lượng. Giúp xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng thông qua sự kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán.