ĐNO - Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các nhà sản xuất nông nghiệp phải tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Là vùng nông nghiệp của thành phố, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất nông sản sạch trên các vùng chuyên canh của huyện Hòa Vang. Huyện đã xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại các xã như vùng sản xuất rau quả an toàn Túy Loan, vùng sản xuất lúa hữu cơ Hòa Tiến, Hòa Phong và các mô hình nuôi cá thát lát, nuôi heo an toàn sinh học hoặc theo hướng hữu cơ. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch so với sản xuất thông thường.
Sinh viên ngành nông nghiệp công nghiệp cao Trường Đại học Đông Á tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất rau quả sạch tại trang trại Afarm.
Tìm hướng đi hiệu quả
Câu chuyện trồng nấm sạch của anh Phan Văn Hùng ở thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong được xem là mô hình khá điển hình của nhiều cơ sở sản xuất nông sản sạch ở nông thôn hiện nay. Từ một người làm du lịch, năm 2014, anh Hùng tình cờ thấy trên mạng người ta sản xuất nấm sạch cho hiệu quả kinh tế cao, anh bắt đầu mày mò tìm hiểu rồi chuyển hẳn qua trồng nấm sò, nấm bào ngư, nấm linh chi và đông trùng hạ thảo ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Mới đầu, anh trồng thử nghiệm 2.000 phôi nấm bào ngư trên diện tích 50m2 và mang lại thu nhập cao, từ đó anh quyết định đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất lên 600m2, mỗi tháng thu hoạch hơn 1,5 tấn nấm sò, mỗi năm thu 300-500kg nấm linh chi và 10-15kg đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, khi khối lượng tăng lên, anh lại gặp khó khăn về vốn đầu tư sản xuất và trang trại cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chia sẻ về quá trình vượt khó của cơ sở nấm Quỳnh Tâm, anh Phan Văn Hùng, Giám đốc Cơ sở nấm Quỳnh Tâm cho biết: “Khi mở rộng sản xuất, chúng tôi gặp khó khăn về đất đai, trong khi đó lại nằm trong vùng trũng ngập lũ nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền xã, huyện và thành phố về thiết bị máy móc, nhà xưởng, cở sở đã vượt qua khó khăn ban đầu và phát triển thuận lợi hơn. Đến nay, các loại nấm của chúng tôi sản xuất đã được nhiều người biết đến và vươn ra thị trường trong nước, trong đó có nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành đặt mua nấm dược liệu. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sau khi có thương hiệu, cơ sở nấm Quỳnh Tâm tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng và được nhiều khách hàng đón nhận”.
So với các đơn vị sản xuất nông nghiệp sạch khác, hoạt động sản xuất rau quả sạch của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Afarm khá hiện đại và chuyên nghiệp. Từ năm 2018, công ty mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng phát triển trang trại sản xuất theo hướng hiện đại với hệ thống nhà kính và điều khiển tự động, có quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh nghiêm ngặt tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống tưới tiêu, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để đưa ra thị trường các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, công ty không chỉ là điểm tin cậy của khách hàng khó tính mà còn là điểm đến được các sinh viên ngành nông nghiệp tham quan, học hỏi.
Vừa qua, trang trại Afarm đón hơn 60 sinh viên ngành nông nghiệp CNC của Trường Đại học Đông Á đến tìm hiểu quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ khép kín. Qua đó, sinh viên nắm rõ các khâu sản xuất để ứng dụng vào thực tế công việc sau này.
Ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm cho biết, hiện công ty đang tiếp tục triển khai một dự án mới, dự kiến sẽ hoàn thành sau 2 tháng. Với phương châm “Sạch đủ sẻ chia”, Afarm luôn cố gắng đem đến cho người tiêu dùng những thực phẩm tốt nhất dựa trên nguyên tắc tự nhiên.
Theo UBND huyện Hòa Vang, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2025, huyện đã quy hoạch tổng thể và quy hoạch vùng cho sản xuất nông sản sạch như: Vùng sản xuất rau, quả an toàn; vùng lúa hữu cơ; vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng CNC; vùng nuôi trồng thủy đặc sản…
Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, các cơ sở sản xuất không chỉ sử dụng phân bón, thuốc, thức ăn… bằng nguyên liệu hữu cơ, sinh học mà còn ứng dụng các tiến bộ khoa học CNC vào sản xuất. Việc ứng dụng CNC giúp giảm chi phí nhân công, tăng vụ và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm
Để sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương được vươn xa, lãnh đạo huyện Hòa Vang luôn quan tâm đẩy mạnh liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước. Huyện tổ chức thành công Hội chợ Nông nghiệp Hòa Vang năm 2020 và năm 2022, mỗi hội chợ có khoảng 150 gian hàng với 30 địa phương, 90 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài thành phố tham gia; thu hút 50.000 lượt người tham quan, mua sắm với tổng doanh số ước đạt 3 tỷ đồng.
Nhằm giúp các mặt hàng nông sản sạch tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, trong năm 2022, huyện phối hợp Sở Công Thương triển khai khảo sát 75 cơ sở, doanh nghiệp về tình hình sản xuất thực tế, khả năng cung ứng sản phẩm, phân phối sản phẩm tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng; đồng thời làm việc trực tiếp với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn thành phố để tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, huyện giới thiệu các đơn vị tham gia hội nghị kết nối sản phẩm của Đà Nẵng vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố. Thông qua hội nghị, có 6 cặp kết nối ký kết biên bản, thỏa thuận hợp tác, bao gồm kết nối giữa siêu thị với đơn vị sản xuất, kết nối giữa chuỗi cửa hàng tiện lợi với đơn vị sản xuất, kết nối đưa hàng vào chợ và kết nối đưa vào bán tại các điểm bán sản phẩm OCOP. Từ đó mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các cơ sở sản xuất là quy mô sản xuất còn nhỏ nên khó đáp ứng tiêu chuẩn và số lượng hàng hóa vào siêu thị. Một vài cơ sở muốn tổ chức các điểm bán hàng nhưng không đủ nhân lực, vật lực để vận hành. Một số khác thiếu kỹ năng phát triển thị trường, chưa xây dựng được chính sách bán hàng, tỷ lệ chiết khấu cho nhà phân phối.
“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian đến, huyện đẩy mạnh phát triển một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm như nâng cấp, đầu tư quầy bán hàng của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan tại chợ Túy Loan thành điểm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP. Đồng thời, hình thành khu trưng bày, giới thiệu nông sản, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư nông nghiệp Hòa Vang tại thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Sau đó giao cho Ban quản lý các chợ huyện tổ chức đấu giá các gian, quầy hàng buôn bán, dịch vụ cho người dân, trong đó ưu tiên các mặt hàng nông sản, lưu niệm, sản phẩm OCOP”, ông Ngô Ngọc Trúc, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện nhấn mạnh.
Sau khi thực hiện triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay huyện Hòa Vang có 21 sản phẩm đã được xét duyệt và công nhận. Trong năm nay, UBND huyện tập trung phấn đấu đánh giá, xếp hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 sao. Phấn đấu từ 1-2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu. Đến năm 2025, huyện phấn đấu có khoảng 36 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 11/11 xã đều có sản phẩm được công nhận OCOP, đối với sản phẩm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải có sản phẩm đạt 4 sao. |
Theo Báo Đà Nẵng Online
Thời gian qua, thành phố Lai Châu đang tập trung phát triển các mô hình rau sạch hữu cơ hay…
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, đồng thời nhận thức rõ được những lợi ích khi sản xuất nông…
Đắk Nông triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP từ năm 2018. OCOP đã có sức lan…
Sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, GAP mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp duy trì hệ…
Ngày 26-5, trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023 đã diễn ra hội nghị…
Những năm trở lại đây, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chú trọng canh tác lúa theo hướng nông nghiệp sạch…
Nhờ việc ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân trên địa bàn huyện Mộc…
Mô hình này tuy còn mới mẻ với các hộ nuôi nhưng bước đầu đã cho thấy được sự phấn…
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu như tất cả người dân đều có khuynh hướng lựa chọn biện pháp…
Trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo đà cho khu vực…
Công ty TNHH Chè cổ thụ Việt Nam được thành lập năm 2020 là doanh nghiệp nằm trong HTX chế…
Với 5 dòng sản phẩm chính được chế biến từ những búp chè non nhất của những cây chè Shan…
Hội thảo: Nâng cao giá trị vùng khai thác rươi, cáy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững trên…
Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn tái sinh như một giải pháp giúp người nông dân thích ứng…
Trong cái nắng như xối lửa, 4 đội tham dự hội thi gặt lúa rươi hữu cơ trên cánh đồng…
Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, phát…
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) mới đây đã công bố gói hỗ trợ cho các nhà sản xuất sữa…
Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả, vừa…
Thời gian qua, thành phố Lai Châu đang tập trung phát triển các mô hình rau sạch hữu cơ hay…
Ngành công nghiệp khí sinh học đang được coi là một giải pháp tổng thể để quản lý chất thải,…
Là những giáo sư đầu ngành ở các lĩnh vực vi sinh vật và y học, đồng thời sống rất…
Dư luận ở huyện Krông Păk (Đắk Lắk) rất xôn xao trước vụ việc Công ty Cổ phần Cà phê…
Vĩnh Phúc vừa ghi nhận một người đàn ông dương tính với ARS-CoV-2 sau khi tiếp xúc với vợ là…
Thêm nhiều nước EU cũng đưa ra cảnh báo thu hồi các sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty…
Công an thị trấn Tam Đảo giải quyết đơn tố cáo của công dân về hành vi có dấu hiệu…