Thông tin trên được ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chia sẻ với Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sau 4 năm triển khai, đến nay Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên cả nước. Xin ông cho biết, các địa phương, chủ thể đã hưởng ứng tham gia chương trình ra sao?
Xuất phát từ những kết quả, thành tựu trong xây dựng NTM, để góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Đây là một chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, hướng đến hỗ trợ phát triển các chủ thể kinh tế nông thôn gắn với nhóm trục sản phẩm thứ 3 là sản phẩm địa phương, mục tiêu hướng đến phát huy nội lực (sản phẩm, trí tuệ sáng tạo, kỹ năng, văn hóa truyền thống…) nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Nam Định là 1 trong những địa phương tham gia tích cực Chương trình OCOP. Ảnh: Mai Chiến
Sau 4 năm triển khai, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch/Đề án Chương trình OCOP cấp tỉnh; UBND các tỉnh, thành phố đã giao nhiệm vụ, hình thành bộ máy triển khai Chương trình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, khen thưởng…
Chương trình đã giúp các địa phương, chủ thể OCOP khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường (ngoài vấn đề lương thực, dinh dưỡng… còn khía cạnh về văn hóa, trách nhiệm với cộng đồng, môi trường sống). Đồng thời, chú trọng đến phát huy đa giá trị tích hợp của ngành nông nghiệp (không chỉ kinh tế, còn xã hội, môi trường) theo chủ trương chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ trọng cung (năng suất, sản lượng) sang trọng cầu (đa giá trị, chất lượng sản phẩm và tính bền vững).
Đến nay, đã hình thành được các nội dung, giải pháp thực hiện và nhất là đã cơ bản hoàn thiện được hệ thống cơ chế, chính sách, phương thức chỉ đạo để thực hiện chương trình. Do vậy, Chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, có sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công gắn với xây dựng NTM ở tất các các địa phương trên cả nước.
Đến hết năm 2021, cả nước có bao nhiêu sản phẩm OCOP. Trong số đó, có sản phẩm nào được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không?
Đến hết năm 2021, có 62/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cả nước đã có 6.010 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 64,6% sản phẩm 3 sao; 33,7% sản phẩm 4 sao; 1,3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 0,4% sản phẩm 5 sao. Hơn 3.277 chủ thể tham gia, trong đó có 39,6% là HTX; 26,3% là doanh nghiệp; 32% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.
Tính đến tháng 5/2022, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cả nước có 7.463 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hơn 4.061 chủ thể OCOP, trong đó có 38,7% là HTX; 25,9% là doanh nghiệp; 33,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh; còn lại là tổ hợp tác.
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đến nay, có 20 sản phẩm OCOP 5 sao (Bộ NN-PTNT công nhận năm 2020). Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài.
Trong số các sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ như: Sản phẩm chè phìn hồ (chè xanh, hồng trà) của Hà Giang; sản phẩm bí xanh của Bắc Kạn; sản phẩm cam, bưởi của Hà Tĩnh; trà olong ba bông mai, trái phúc bồn tử của Lâm Đồng,… Những sản phẩm này có chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Hiện nay, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người dân tín nhiệm. Các sản phẩm OCOP 5 sao đã được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài. Điều này, mang lại hiệu ứng tích cực ra sao?
Sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận dựa trên Bộ tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành, với nhiều yêu cầu, bao gồm: chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể… Cùng với đó là quy trình đánh giá chặt chẽ, với sự tham gia của các ngành liên quan, do vậy, để được công nhận đạt 3 sao trở lên, sản phẩm OCOP đều phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định, chất lượng, mẫu mã, bao bì,... Đây là một điểm nổi trội của sản phẩm OCOP về khía cạnh chất lượng để tiếp cận thị trường.
Sản phẩm OCOP được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành tin tưởng làm quà tặng trong các hội nghị và chuyến công tác nước ngoài. Ảnh tư liệu
Đối với sản phẩm OCOP 5 sao, trên cơ sở kết quả đánh giá của UBND cấp tỉnh, sản phẩm được đăng ký OCOP 5 sao đã được Tổ tư vấn (gồm đại diện của các đơn vị thuộc các Bộ, các chuyên gia ở từng lĩnh vực) nghiên cứu, thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; được Hội đồng đánh giá chuyên ngành (do Bộ NN-PTNT; Bộ Y tế; Bộ Công Thương chủ trì theo nhóm sản phẩm được phân công quản lý) đánh giá, đề xuất lên Hội đồng OCOP cấp quốc gia. Hội đồng OCOP quốc gia (do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT làm Chủ tịch Hội đồng, đại diện Lãnh đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài Nguyên và Môi trường làm thành viên) đã đánh giá cụ thể, công nhận dựa trên những yêu cầu, tiêu chí cần phải đạt theo Bộ tiêu chí quốc gia.
Có thể nói, sản phẩm OCOP 5 sao là những sản phẩm đáp ứng về các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt là áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; chất lượng đặc sắc, có thương hiệu, mẫu mã, bao bì đẹp và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, đặc biệt là đủ điều kiện và khả năng xuất khẩu. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã thể hiện được nét đặc trưng, tiêu biểu của từng vùng, miền, khai thác được những câu chuyện, giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương để nâng cao chất lượng, hình ảnh sản phẩm trên thị trường.
Các sản phẩm OCOP 5 sao đã được các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài. Điều này đã mang lại tác động tích cực đối với các chủ thể có sản phẩm 5 sao nói riêng và Chương trình OCOP nói chung.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua Chương trình gặp những khó khăn gì trong quá trình triển khai? Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế đó, thưa ông?
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được như đề cập ở trên, Chương trình OCOP vẫn còn những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện, cụ thể như:
Chương trình OCOP là một chương trình liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn. Do đó, giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.
Hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực, dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở - quy trình chế biến,... dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa được chủ động, một số nội dung triển khai chương trình OCOP của nhiều chủ thể còn mang nặng tính hình thức, thiếu sự gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực của chủ thể về sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng (tỷ lệ sản phẩm mới chỉ chiếm gần 8% tổng số sản phẩm OCOP được công nhận).
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương quan tâm triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu để tạo hình ảnh, nhận diện sản phẩm OCOP và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng…
Để tháo gỡ những khó khăn và hạn chế nêu trên, trong giai đoạn tới, Chương trình OCOP sẽ tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm gắn với xây dựng nông thôn mới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể kinh tế ở khu vực nông thôn.
Hai là, tập trung khai thác vào các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn truyền thống, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát suy sự sáng tạo, sức mạnh cộng đồng trong tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị OCOP, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ba là, đẩy mạnh các giải pháp về chế biến, đặc biệt là chế biến quy mô nhỏ và vừa để phát triển sản phẩm mới dựa trên lợi thế về nguyên liệu địa phương, sự sáng tạo của các làng nghề, hình thành các sản phẩm đặc sắc, nổi bật gắn với giá trị văn hóa của từng địa phương.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP gắn với các chương trình hội chợ sản phẩm OCOP thường niên đặc sắc gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương; xây dựng hệ thống xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm OCOP quốc gia (OCOP 5 sao).
Năm là, tăng cường chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý và giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý, giám sát, thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm gắn với thương hiệu OCOP Việt Nam.
Sản phẩm nấm của HTX nấm Tâm An (Hà Nội) được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: Mai Chiến
Xin ông cho biết mục tiêu Chương trình OCOP Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 là gì?
Từ kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng, mục tiêu của Chương trình sẽ tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, góp phần đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Thứ hai, kế thừa kết quả và khắc phục những vướng mắc của giai đoạn trước, bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình sẽ tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, như: Triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc văn hóa vùng, miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn.
Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Tăng cường chuyển đổi số và xúc tiến thương mại sản phẩm để đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Thứ ba, mục tiêu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập của người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững ở các địa phương.
Những bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình OCOP, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Nhìn một cách tổng thể, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được như đề cập ở trên, Chương trình OCOP còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện, đưa sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu chất lượng, hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”, khai thác hiệu quả thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, Chương trình cần phát huy những kinh nghiệm sau 4 năm triển khai, cụ thể là:
Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Nâng cao vai trò chủ thể, sự chủ động của người dân, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đặc biệt là vùng miền núi, khó khăn.
Tăng cường vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách của Nhà nước, trong đó tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
Xác định xúc tiến thương mại là nền tảng, chuyển đổi số là động lực nhằm phát triển hiệu quả và bền vững sản phẩm OCOP, đặc biệt là tăng cường kết nối, nâng cao hình ảnh, giá trị của sản phẩm OCOP gắn với các kênh phân phối hiện đại, đặc trưng, phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường trong bối cảnh mới.
Xin cảm ơn ông!
Mai Văn Chiến
Với đặc thù địa bàn thường xuyên đón khách du lịch, dân cư sinh sống tập trung ở những vùng…
Các sản phẩm hữu cơ độc quyền tại Emart với mức giá tốt nhất từ nhà cung cấp chiến lược…
Đảm bảo, phát triển và phục hồi nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển các giống bản địa bảo…
Xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) có 753 hộ, 3.815 nhân khẩu, 10 dân tộc cùng sinh sống.…
Từng sống ở làng quê ấm áp tình làng, nghĩa xóm, thạo việc nhà nông ngay từ thủa nhỏ đã…
Phát triển bền vững cùng người lao động, Vinamilk được bình chọn là “Nhà tuyển dụng được yêu thích nhất…
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa…
Bạn có phải là người yêu thiên nhiên, thích tận hưởng cảm giác được hòa làm một với đất trời…
Tại thung lũng hoa bạt ngàn, diện tích khoảng 60 héc ta thuộc xã Tà Nung (TP Đà Lạt, tỉnh…
TQO - Với mong muốn cung cấp thực phẩm tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến…
Trong cái nắng như xối lửa, 4 đội tham dự hội thi gặt lúa rươi hữu cơ trên cánh đồng…
Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, phát…
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) mới đây đã công bố gói hỗ trợ cho các nhà sản xuất sữa…
Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả, vừa…
Thời gian qua, thành phố Lai Châu đang tập trung phát triển các mô hình rau sạch hữu cơ hay…
Ngành công nghiệp khí sinh học đang được coi là một giải pháp tổng thể để quản lý chất thải,…
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, đồng thời nhận thức rõ được những lợi ích khi sản xuất nông…
Với hơn 27 năm đồng hành cùng bà con nông dân ở khắp mọi miền Tổ quốc, thương hiệu gạo…
Với đặc thù địa bàn thường xuyên đón khách du lịch, dân cư sinh sống tập trung ở những vùng…
Chiều 30/5 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Xu hướng toàn cầu về thực phẩm và đồ uống…
Là những giáo sư đầu ngành ở các lĩnh vực vi sinh vật và y học, đồng thời sống rất…
Dư luận ở huyện Krông Păk (Đắk Lắk) rất xôn xao trước vụ việc Công ty Cổ phần Cà phê…
Vĩnh Phúc vừa ghi nhận một người đàn ông dương tính với ARS-CoV-2 sau khi tiếp xúc với vợ là…
Thêm nhiều nước EU cũng đưa ra cảnh báo thu hồi các sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty…
Công an thị trấn Tam Đảo giải quyết đơn tố cáo của công dân về hành vi có dấu hiệu…