![]() |
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (bên phải) thăm mô hình trồng nấm hương hữu cơ của Công ty Cổ phần Nấm tốt Nameco. (Ảnh: Kiều Tâm) |
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng được quan tâm tại Việt Nam. Theo đơn vị hành chính cũ, nếu như năm 2018, trên địa bàn cả nước có 46 địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ thì đến năm 2023 đã có 63 địa phương thực hiện.
Theo báo cáo của 38 địa phương (theo đơn vị hành chính cũ), đến năm 2023, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 75.020ha (trong đó 82% là đất trồng trọt). Đồng thời, đã có 38.780ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật. Đến nay, các địa phương đang chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với 260.725ha đất trồng trọt.
Tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được thực hiện thành công, là điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp miền Bắc. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có không ít mô hình chuyển đổi sang canh tác hữu cơ không thành công, hoặc chuyển đổi được vài năm phải bỏ dở do khó khăn về vốn ban đầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất…
Làm sao để cân bằng giữa bài toán lợi nhuận và giá trị xanh là câu chuyện chung của nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Để nông nghiệp hữu cơ trở thành một phép cộng dài hạn, người làm nông nghiệp không thể chỉ dừng lại ở sự tự phát, đầu tư ban đầu mà phải có tầm nhìn xa, dài hạn, quy hoạch rõ ràng.
Làm hữu cơ có quy hoạch
Định hướng phát triển nấm sạch từ năm 2014, sau 6 năm kể từ khi thành lập, Công ty Cổ phần Nấm tốt Nameco đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam trên 1ha diện tích sản xuất. Từ đó đến nay, doanh nghiệp vẫn duy trì chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, hướng tới đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Kết quả này có được nhờ quy trình sản xuất bài bản, kết hợp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Là người đứng sau những thành công này, anh Mai Văn Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nấm tốt Nameco cho biết: “Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, điều cốt lõi là phải quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, trong đó phải đảm bảo 6 yếu tố nền tảng, gồm: Cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính, sản phẩm, thị trường và công nghệ”.
Liên hệ thực tế, anh Hưng lý giải, doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy sản xuất nấm của công ty có quy mô rộng xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ (nay là xã Hương Cần, tỉnh Phú Thọ). Nhà máy có quy mô 3ha, trong đó có 2ha vùng đệm, 1ha sản xuất đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Ngoài nhà máy, Nameco còn 5 điểm khai thác vệ tinh, đảm bảo sản lượng để cung cấp cho các đại lý tại 30 tỉnh, thành trên cả nước.
Được biết, xã Hương Cần, tỉnh Phú Thọ có lợi thế diện tích rừng trồng lớn, phụ phẩm lâm nghiệp phát sinh nhiều. Đây là nguồn nguyên liệu sạch giá rẻ, dồi dào để làm giá thể trồng nấm.
Tại nhà máy, các phụ phẩm sau khi thu mua sẽ được nghiền nhỏ tùy theo yêu cầu của từng loại nấm, trộn thêm cùng cám gạo và một số thành phần khác rồi đóng thành các bịch giá thể. Sau đó, các sản phẩm sẽ trải qua quy trình xử lý nghiêm ngặt, từ khâu tiệt trùng, cấy giống…, đảm bảo nấm sinh trưởng trong môi trường sạch, an toàn.
Đảm bảo chất lượng đầu ra nông sản, quy trình sản xuất nấm sạch của doanh nghiệp đã được tích hợp các công nghệ nuôi trồng nấm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đầu tư thêm dây chuyền sấy lạnh, chiết xuất dịch nấm. Các công việc còn lại được thực hiện bởi chính lao động địa phương, phần lớn là phụ nữ, đã được doanh nghiệp tập huấn sản xuất nấm sạch, nấm hữu cơ.
![]() |
Sản phẩm nấm sạch tại Công ty Cổ phần Nấm tốt Nameco được sản xuất theo quy trình hiện đại, khoa học, có quy hoạch từ vùng trồng đến thị trường tiêu thụ. (Ảnh: Kiều Tâm) |
Sản phẩm nấm sạch đạt tiêu chuẩn sẽ được Công ty cổ phần Nấm Tốt Nameco phân phối qua các đại lý. Hiện Nấm Tốt đã phân phối sản phẩm tới hàng chục hệ thống siêu thị: Dalat Mart, Trâu Vàng, Linh Mart, Đức Thành Mart, Clever Food, Kyo Food, Vita market, Làng Việt Mart, 365 Mart… nhà hàng chay, cơ sở Phật giáo lớn như: chùa Khai Nguyên, chùa Yên Đức…
Bên cạnh những kết quả trên, trong thực tế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Nấm Tốt còn đối mặt với nhiều rào cản như: tiếp cận vốn vay, đặc biệt là các gói tín dụng xanh; nông sản có giá thành cao hơn mặt bằng chung thị trường, thời hạn bảo quản ngắn; hạn chế về chính sách và tiêu chuẩn đồng bộ…
“Đây không chỉ là rào cản với Nấm Tốt mà còn là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp, HTX làm hữu cơ khác. Chúng tôi đề xuất cần có những chính sách, đặc biệt là những chính sách tài chính đặc thù cho sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm, phát triển nấm sạch bền vững”, anh Hưng tâm sự.
Xây dựng chuỗi giá trị từ liên kết "4 nhà"
Còn tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La (nay là xã Phù Yên, tỉnh Sơn La), hàng trăm ha lúa của hơn 1.000 hộ dân đã được cấp chứng nhận hữu cơ, cho các giống lúa: BC15, J02, Đài thơm 8, lúa nếp bản địa, lúa tẻ bản địa.
Đây là “trái ngọt” sau nhiều năm các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ được đẩy mạnh triển khai tại Phù Yên.
Từ năm 2019, dự án “Xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị” được Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La triển khai trên quy mô 120 ha tại xã Quang Huy. Dự án hỗ trợ 70% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quang Huy. Sau 2 vụ trồng thử nghiệm dự án trồng lúa hữu cơ cho kết quả tốt. Đến năm 2022, đã có hơn 1.300 hộ dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích hơn 210 ha.
Đồng thời, UBND huyện Phù Yên (cũ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu “Gạo Phù Yên”. Đến nay, "Gạo Phù Yên" được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, gồm các giống lúa: BC15, J02, Đài thơm 8, đảm bảo các tiêu chí: Cảm quan, lý hóa và an toàn thực phẩm.
Tiếp tục phát huy hiệu quả giá trị sản phẩm “Gạo hữu cơ” và “Gạo Phù Yên”, huyện Phù Yên (cũ) đã thực hiện mô hình “Ruộng nhà mình” với mục tiêu duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ. Theo đó, có 45 tổ chức, cá nhân cùng tham gia sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trên hơn 82ha tổng diện tích thực hiện, mỗi tập thể, cá nhân nhận diện tích “Ruộng nhà mình” để sản xuất, tiêu thụ cùng nông dân.
Tham gia mô hình, các hộ được tư vấn, xác định đầu ra sản phẩm ổn định, giải quyết khó khăn về vốn đầu tư sản xuất bằng việc đồng sở hữu số diện tích ruộng sản xuất với các đảng viên, các phòng, ban của huyện và được ứng một phần kinh phí sản xuất theo thỏa thuận. Với cách làm này, cả hệ thống chính trị của địa phương cùng vào cuộc, nhằm xây dựng, phát huy tối đa giá trị Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo hữu cơ” và “Gạo Phù Yên”.
Trao đổi với phóng viên, bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, một HTX được hưởng lợi từ những dự án này cho biết: “Ngày mới triển khai dự án, khái niệm “nông nghiệp hữu cơ” vẫn còn xa lạ với bà con chúng tôi. Nhiều hộ mới đầu còn e ngại e ngại vì lo trong thời gian cải tạo đất, năng suất sẽ sụt giảm. Nhưng nhờ có chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ, sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp, chuyên gia… chúng tôi đã xây dựng thành công mô hình sản xuất gạo hữu cơ, thương hiệu gạo Phù Yên”.
![]() |
Sau nhiều năm triển khai, mô hình trồng lúa hữu cơ của xã Phù Yên, tỉnh Sơn La vẫn đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho bà con nhờ có sự chung tay của chính quyền địa phương - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông. (Ảnh: Kiều Tâm) |
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm gạo Phù Yên đã xây dựng được uy tín trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định hơn cho người dân địa phương. Theo bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, giá gạo Phù Yên có thể lên đến 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với giá thông thường. Hạt gạo thơm ngon, dẻo hơn, có bao bì, thương hiệu nên dễ tiêu thụ. Từ đầu vụ, nhiều khách quen đã liên hệ HTX đặt hàng làm quà biếu.
“Có nhiều doanh nghiệp lớn đã liên hệ chúng tôi để bao tiêu đầu ra sản phẩm với mức giá tốt, nhưng do sản lượng hiện tại chưa đáp ứng, chúng tôi phải từ chối.
Trong thời gian tới, HTX mong muốn sẽ được hỗ trợ chuyển giao các phương pháp, công nghệ, kiến thức mới để nâng cao sản lượng, duy trì chất lượng, phát triển thương hiệu “Gạo Phù Yên” kết hợp du lịch canh nông, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ khi trồng lúa đã cho thu nhập tốt, đầu ra ổn định, bà con mới có lực để duy trì mô hình trồng lúa hữu cơ, lúa sạch”, bà Ngân chia sẻ.