![]() |
Liệu có thể đưa nông nghiệp hữu cơ về chiều sâu, vùng xa, những khu vực thường được xem là “vũng trũng” của phát triển nông nghiệp được không? |
Nhiều tiềm năng lợi ích phát triển
Hiện nay tại nước ta có nhiều khu vực vùng núi, vùng cao, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Những khu vực này thường có điều kiện tự nhiên còn hoang sơ, ít bị tác động bởi sản xuất công nghiệp hoặc hóa chất nông nghiệp. Chính điều đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nhà sản xuất hữu cơ, bởi môi trường canh tác trong sạch, ít ô nhiễm. Từ đó có thể thu được những sản phẩm có chất lượng rất cao, mang tính đặc sản, đặc thù của vùng miền.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên, việc đưa nông nghiệp hữu cơ đến vùng sâu xa sẽ mang lại ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Nó không chỉ tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các miền. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ còn góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy những kỹ thuật canh tác truyền thống gần gũi với thiên nhiên của đồng bào dân tộc, vốn là một phần di sản văn hóa phi vật quý giá của dân tộc.
![]() |
Việc đưa nông nghiệp hữu cơ đến vùng sâu xa sẽ mang lại ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. |
Nông nghiệp hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ tổng hợp sâu, chất kích thích tăng trưởng hoặc giống biến đổi gen. Điều này giúp giảm ô nhiễm đất, nước và không khí, một yếu tố sống còn ở các khu vực vốn có hệ sinh thái nhạy cảm như vùng núi, rừng nguyên sinh. Hơn nữa, nông nghiệp hữu cơ còn khuyến khích luân canh, xen canh, sử dụng phân xanh, phân chuồng,… góp phần cải tạo và duy trì độ phì nhiều của đất về lâu dài.
Không những vậy, so với nông sản thông thường, sản phẩm hữu cơ có giá trị cao hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng an toàn và thân thiện với sức khỏe. Nếu được tổ chức tốt, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể bán nông sản hữu cơ với giá gấp 1,5 – 3 lần so với nông sản thông thường. Điều này giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và khuyến khích người nông dân vùng sâu vùng xa gắn bó hơn với đất đai, nông nghiệp bản địa mà không phải vươn đến những đô thị lớn tìm cơ hội việc làm.
Một điều đặc biệt mà nông nghiệp hữu cơ làm được khi có cơ hội phát triển đó là, tạo động lực cho người nông dân biết giữ rừng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Giảm thiểu việc phá rừng và đốt nương làm rẫy tràn lan. Khi họ nhận thấy giá trị kinh tế từ mô hình hữu cơ, người dân sẽ tự nguyện chuyển đổi thói quen canh tác cổ xưa có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và chuyển qua hướng canh tác xanh, bền vững.
![]() |
Hạ tầng giao thông kém phát triển, công việc chuyển nông sản từ vùng sâu xa đến các thị trường gặp nhiều khó khăn. |
Còn nhiều khó khăn trăn trở phải vượt qua
Trên thực tế, dù tiềm năng lớn, việc đưa nông nghiệp hữu cơ về các vùng khó khăn không phải là điều dễ dàng.
Phần lớn nông dân ở vùng sâu xa vẫn quen thuộc với truyền thông quán canh, ít có cơ hội tiếp cận với kiến thức mới. Nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi người sản xuất phải hiểu và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, chuẩn bị đất, chăm sóc thu hoạch và quản lý. Việc thiếu kỹ thuật hỗ trợ, sẽ khiến người dân dễ mắc lỗi và thất bại trong quá trình chuyển đổi.
Hơn nữa, do địa hình đồi núi nguy hiểm, hạ tầng giao thông kém phát triển, công việc chuyển nông sản từ vùng sâu xa đến các thị trường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thiếu kho bảo quản, phương tiện làm nông sản dễ bị hư hỏng, giảm chất lượng và mất giá.
Một điều mà người nông tại vùng sâu vùng xa trăn trở, đó là việc khó liên kết với người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối và sở hữu chứng nhận hữu cơ. Việc được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ hiện nay yêu cầu quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt, nhiều quy định và chi phí rất cao, điều này vượt quá khả năng của đa số nông người nông dân.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ tại vùng sâu vùng xa lâu dài và bền vững thì cần rất nhiều yếu tố, từ chính sách đến con người. Tuy vậy, việc đầu tiên là phải có các chương trình đào tạo tại chỗ, phù hợp với trình độ và điều kiện thực tế của người dân. Có thể thông qua mô hình "nông dân dạy nông dân", tổ chức các lớp tập huấn, thăm quan mô hình mẫu,... Đồng thời, nên khai thác tri thức bản địa và kết hợp với tiến bộ khoa học để tạo ra phương pháp sản xuất phù hợp.
Phát triển nhiều mô hình hợp tác xã, xây dựng liên kết sản phẩm giúp người dân chia sẻ chi phí đầu tư và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường. Qua đó đóng vai trò là tổ chức chứng nhận đầu mối liên kết, thu mua, đóng gói và phân phối sản phẩm ra thị trường.
![]() |
Cần xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở vùng sâu, vùng xa (ảnh minh họa). |
Ngành chức năng cần xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở vùng sâu, vùng xa như: miễn giảm thuế, hỗ trợ chứng nhận, cung cấp giống, vật tư sinh học,... Bên cạnh đó, đầu tư vào hạ tầng giao thông, điện lưới, internet,… từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kết nối với thị trường.
Đối với người nông dân, cần học tập sử dụng các thiết bị thông minh như điện thoại smart phone để kịp thời cập nhật kỹ thuật, thông tin, xây dựng kế hoạch quản lý mùa vụ và đặc biệt là bán hàng trực tuyến. Việc áp dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc cũng sẽ giúp nâng cao sản phẩm uy tín và tạo lợi thế cạnh tranh.
Như vậy, việc đưa nông nghiệp hữu cơ về vùng sâu, vùng xa không chỉ là một hướng đi khả thi mà còn là một nhiệm vụ cần thiết nếu muốn hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Dù còn nhiều khó khăn về kỹ thuật, thị trường và nguồn lực, nhưng nếu có sự đồng bộ từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, thì nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn có thể trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn nhất của đất nước. Khi đó, vùng sâu xa không còn là “vũng trũng” của nông nghiệp, mà sẽ trở thành nơi khởi nguồn của những mô hình sản xuất sạch, xanh, bền vững, lâu dài.